Ra mắt máy tính bảng của riêng mình
Có thể nói, trong khi các hãng công nghệ đua nhau nhảy vào thị trường công nghệ “nóng” nhất trong năm qua, thị trường máy tính bảng, thì Microsoft dường như khá thờ ơ và chậm chạp trong cuộc đua này.
Gần 2 năm sau, Microsoft vẫn chưa có một động thái nào cho thấy sẽ gia nhập cuộc đua thị trường máy tính bảng, trong khi những đối tác chính của hãng như HP hay Samsung chỉ ra mắt những chiếc máy tính bảng sử dụng Windows 7 không mấy thành công và gần như không ai biết đến.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường máy tính bảng, khi các “gã khổng lồ” công nghệ đều đã đặt chân vào thị trường này, thì Microsoft phải cho thấy những động thái tích cực của mình để nhanh chóng gia nhập cuộc đua, trước khi bị các đối thủ khác bỏ đi quá xa, hoặc thậm chí là trước khi “cuộc đua” kết thúc và máy tính bảng không còn là một xu thế công nghệ như hiện nay.
Trình làng Windows 8
Với giao diện Metro “vay mượn” từ nền tảng Windows Phone, Microsoft tuyên bố Windows 8 sẽ được cung cấp một giao diện hoàn hảo cảm ứng tuyệt hảo.
Đẩy mạnh hơn nữa phát triển thương hiệu Xbox
Mặc dù đã gặp không ít khó khăn vì sự cạnh tranh từ các đối thủ trong năm qua, tuy nhiên hiện Microsoft vẫn đang tiếp tục ăn nên làm ra trên thị trường máy chơi game với sản phẩm Xbox của mình.
Kinect là hệ thống máy chơi game, với công nghệ cho phép nhận diện hoạt động và tốc độ của người chơi trước máy, cho phép chơi game trên Xbox thông qua các hoạt động mà không cần phải điều khiển bằng nút bấm. Ngoài việc mang về cho Microsoft một lượng tiền khổng lồ nhờ vào lượng máy tiêu thụ, Kinect đã nâng thương hiệu của máy chơi game Xbox lên thành một hệ thống chơi game và giải trí hàng đầu hiện nay.
Để tiếp nối sự thành công này, Microsoft nên tận dụng cơ hội thương hiệu đang phát triển của Xbox , và phát triển một dòng sản phẩm mới với sự hỗ trợ của Xbox, chẳng hạn ra mắt một dòng smartphone hoặc máy tính bảng, trang bị những tính năng và liên kết với máy chơi game Xbox. Bên cạnh đó, Microsoft cũng có thể có những bước đi để nâng tầm Xbox thành dòng sản phẩm đại diện cho mình, tương tự như hãng đã thành công với Windows.
Nếu thành công, Microsoft sẽ tiếp tục thống trị thêm một phân khúc thị trường “hái ra tiền”, bên cạnh phân khúc hệ điều hành máy tính mà Windows vẫn đang thống trị.
“Mua đứt” Yahoo!
Microsoft đã từng có ý định mua lại Yahoo! không chỉ một lần, gần đây nhất, hãng đã đưa ra giá 33 USD/cổ phiếu của Yahoo!, tuy nhiên vẫn bị từ chối thẳng thừng từ phía “gã khổng lồ hết hơi”.
Và việc thâu tóm Yahoo! là việc mà Microsoft nên thực hiện.
Bất chấp những khó khăn mà Yahoo! đang gặp phải trong thời gain qua, không thể phủ nhận rằng hiện Yahoo! vẫn là trang web lớn thứ 4 thế giới (chỉ sau Google, Facebook và Youtube), vượt xa so với cổng thông tin MSN của Microsoft. Bên cạnh đó, Yahoo! sẽ cung cấp cho Microsoft một nền tảng và công nghệ mạnh mẽ cho những dịch vụ của hãng, như email, các ứng dụng trực tuyến trên nền điện toán đám mây dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Chưa hết, với việc thấu tóm Yahoo!, Microsoft không chỉ loại bỏ được một đối thủ trên thị trường, mà bên cạnh đó cũng tránh trường hợp Yahoo! rơi vào tay các đối thủ khác để khiến đối thủ của mình càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Tăng cường cung cấp dịch vụ và tư vấn cho doanh nghiệp
Hiện tại, doanh thu chính của Microsoft vẫn từ tiền bản quyền phần mềm, khi mà Windows và bộ công cụ Microsoft Office vẫn tiếp tục là “con gà đẻ trứng vàng” mang về cho hãng những khoản doanh thu khổng lồ.
Tuy nhiên, khi mà xuất hiện ngày càng nhiều những phần mềm miễn phí, như hệ điều hành Ubuntu hay bộ công cụ văn phòng mã nguồn mở Open Office, hẳn Microsoft sẽ phải suy nghĩ lại chiếc lược của mình trong năm tới, và hiệu quả hơn cả, chính là tăng cường cung cấp và tìm kiếm nguồn doanh thu từ những dịch vụ công nghệ cung cấp cho các doanh nghiệp.
Cùng với sự bùng nổ của những công nghệ mới, từ nền tảng di động đến mạng xã hội và điện toán đám mây, để nắm bắt và hội nhập với những sự mới mẻ này vẫn là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong tương lai gần, điều này dẫn đến các doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng lại mô hình kinh doanh của họ. Hiển nhiên, các doanh nghiệp cần sự giúp đỡ và sẵn sàng trả tiền cho điều đó.
IBM chính là ví dụ tiêu biểu cho sự thành công, khi chuyển đổi từ sản xuất máy tính cá nhân sang cung cấp các dịch vụ và tư vấn công nghệ. Microsoft có thể cũng sẽ không hề thua kém, khi tiếp bước con đường của IBM.