Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã khẳng định như vậy tại Hội thảo triển khai các hệ thống quản lý chất lượng tại các DN CNTT Việt Nam, diễn ra sáng nay (18/5) tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Hồng, hiện tại, mới có rất ít DN đầu tư cho hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng lực nội tại, lại chủ yếu là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vì chi phí đầu tư cho hệ thống thường rất cao. Chính vì thế, sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này là thực sự cần thiết.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Lâm, đại diện Công ty Tin học Lạc Việt cho biết, công ty ông đã phải tốn gần 2 năm để triển khai CMMI, chuẩn đánh giá mức độ thành thục trong quy trình sản xuất phần mềm của Mỹ, được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Lý do của sự kéo dài này là vì doanh nghiệp phải “tự thân vận động trong suốt giai đoạn đầu, không có ai để chia sẻ kinh nghiệm và cùng đồng hành hay hướng dẫn về quy chuẩn”.
Bà Lê Phan Việt Hà, đại diện Công ty Tinh Vân thì cho rằng khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở vấn đề kinh phí, bởi cùng lúc, DN phải chi tiền cho công tác tư vấn, đánh giá, bản quyền, thiết bị, phương tiện và nhân lực. Đó là chưa kể việc phải thay đổi thói quen làm việc, hình thành nên ý thức tuân thủ quy chuẩn cho người lao động. “Việc triển khai hệ thống Quản lý chất lượng nếu không có quyết tâm và hậu thuẫn của Ban lãnh đạo thì không bao giờ có thể đi vào thực chất được”, bà Hà kết luận.
Nhận thức rõ nút thắt về kinh phí và kinh nghiệm này, trong giai đoạn từ 2010-2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Dự án đầu tư khoảng 60 tỷ đồng giúp DN xây dựng, áp dụng, lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi. Khi tham gia dự án, ngoài các khóa đào tạo về nhân sự, mỗi DN còn được hỗ trợ 25.000 USD để tư vấn triển khai, áp dụng chứng chỉ.
Cụ thể, trong năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai hỗ trợ cho 16 DN và bước sang năm 2011 sẽ có thêm 14 DN áp dụng chuẩn này.