Ảnh có tính chất minh họa
Chuyện bắt đầu từ cái đêm tân hôn, anh không thấy chị ra máu. Anh đã sửng cồ lên: “Cô lừa dối tôi. Cô đã trao cho thằng khốn nạn nào?”. Chị không muốn giấu anh, cũng muốn kể anh nghe trước khi làm đám cưới nhưng đứa bạn thân nằng nặc can ngăn. Mọi chuyện vỡ lở ngay đêm tân hôn, chị chỉ còn cách thành thật mọi chuyện với chồng.
Chị đã trao thứ quý giá nhất của đời con gái cho mối tình đầu của chị. Chị yêu anh chàng gần nhà cùng học từ thời phổ thông. Hai người hiểu nhau, yêu thương nhau và luôn nghĩ tới đám cưới ngay khi hai đứa ra trường ổn định công việc. Nhưng rồi anh nhận được học bổng du học sang Mỹ. Xa nhau 4 năm đằng đẵng liệu khi anh trở về tình cảm có được như xưa, chị “nuốt nước mắt” nói lời chia tay trong đau đớn.
Và rồi chị quen anh - người chồng của chị bây giờ, hai người làm đám cưới sau 11 tháng yêu nhau. Anh là công chức nhà nước, làm ở cơ quan xúc tiến thương mại nên cũng thường đi công tác nước ngoài. Cứ nghĩ rằng tiếp xúc nhiều với những yếu tố “Tây hóa”, anh sẽ không quá đề cao trinh tiết người phụ nữ như những người đàn ông cổ điển. Nhưng chị đã nhầm, đòn ghen của anh còn đau hơn cả đánh đập.
Sau cái đêm tân hôn ấy, anh trở nên lạnh nhạt với chị. Hai người nằm trên một chiếc giường mà như hai khúc gỗ. Anh vẫn gần gũi chị, nhưng anh cứ hùng hục chỉ để thỏa mãn chứ không quan tâm đến cảm xúc của chị, mỗi lần gần gũi chị đều cảm thấy mình như bị cưỡng bức.
Rồi sáu tháng sau ngày cưới chị phát hiện anh có bồ khi vô tình đọc được những dòng tin nhắn yêu thương trong máy điện thoại của anh. Cầm chiếc điện thoại giơ trước mặt định hỏi anh cho ra lẽ, chưa kịp mở lời thì anh đã trừng mắt nhìn chị đay nghiến “cô đã mất trinh, còn muốn ý kiến với tôi nữa sao”.
Chị đau lắm nhưng không thể mở miệng nói lại chồng. Nỗi đau của chị dâng đến tận cùng khi vô tình bắt gặp chồng tay trong tay với ả đàn bà lạ tại một nhà hàng gần cơ quan chồng. Chị xông vào định tát cho ả đàn bà đó một cái nhưng cái tát của chị chưa tới, mặt chị đã hứng trọn một cái tát như trời giáng từ bàn tay của chồng. Anh gân mặt lên chửi chị: “Cô có tư cách gì mà xen vào việc của tôi. Cái hạng đàn bà mất trinh như cô mà còn tư cách lên tiếng à”. Chị ê chề bỏ về nhà trong nước mắt đầm đìa.
Chị cũng muốn ném vào mặt anh cái tờ giấy ly hôn nhưng trong người chị đang mang một sinh linh nhỏ bé. Chị không muốn con chị chưa sinh ra mà đã mất cha nên cắn răng chịu đựng.
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”
Ở những gia đình trí thức, bạo hành gia đình vẫn thường xảy ra, chỉ là với hình thức mà người ngoài khó nhận biết hơn. Không đánh đập tàn nhẫn nhưng những ông chồng trí thức có kiểu bạo hành vợ khủng khiếp hơn rất nhiều lần đó là hành hạ về mặt tinh thần. Chỉ có những người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Bà Hoàng Kim Thanh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) từng tư vấn cho rất nhiều trường hợp bạo hành trí thức. Không nhỏ trong số đó là những vụ bạo hành liên quan đến chữ “trinh” của người phụ nữ.
Một trong những nhân vật ám ảnh bà Kim Thanh nhất là trường hợp một người phụ nữ phải cắn răng chấp nhận cho chồng đi ngoại tình chỉ vì cô đã mất trinh trước khi kết hôn. Bà Thanh kể: “Cô ấy có mối tình đầu rất đẹp và hai người đã quan hệ, nhưng vì khoảng cách nên hai người chia tay, không lấy được nhau. Rồi cô ấy lấy chồng, khi quan hệ lần đầu, người chồng đã phát hiện ra vợ không còn trinh trắng. Ông chồng to tiếng, hai người có nói qua nói lại nhưng rồi cũng chấp nhận.
Sau một thời gian thì người chồng đi ngoại tình, coi đó như một sự trả giá và buộc vợ phải chấp nhận. Người chồng nói rằng vợ phải chấp nhận chuyện chồng ngoại tình vì vợ đã quan hệ trước hôn nhân. Người vợ vì cảm thấy có lỗi nên không nói lại, không dám đấu tranh và phải chấp nhận. Người chồng đối xử với người vợ tệ bạc đến mức độ người vợ bảo “anh đi qua mặt em mà anh không nghĩ em là con người, không hề động đậy, nhếch mép, phản ứng gì”.
Bạo hành trong giới trí thức không phải bây giờ mới có, nhưng người Việt thường có tâm lý “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau” nên các vụ bạo hành ít bị phanh phui. Đặc biệt là bạo hành trong giới trí thức, họ còn có cái “sĩ diện” của giới trí thức, đâu ai muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên các vụ bạo hành vẫn diễn ra âm ỉ như những con sóng ngầm.
Liệu có lối thoát nào cho nạn nhân của những vụ bạo hành này? Bà Kim Thanh chia sẻ: “Lối thoát nào cũng phải do người phụ nữ chủ động. Là chuyên gia tôi chỉ có thể giúp họ đừng tự quá áp lực với mình, day dứt quá nhiều về chuyện trinh tiết để rồi họ cảm thấy như họ cần cam chịu, chịu đựng để cho người chồng “có quyền” và vì thế càng lấn tới.
Bản thân những người phụ nữ đừng nên định kiến với chính mình. Họ phải vượt qua rào cản định kiến với chính họ. Bản thân tự cho mình kém, mình tồi thì làm sao giải thoát được cho chính mình”.