Nịnh ôsin hơn nịnh... mẹ chồng
Đã ba, bốn năm nay, năm nào gia đình chị Liên (ngõ Thông Phong, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) đều gặp phải cái dớp: Ôsin nghỉ việc luôn sau kì nghỉ Tết dù trước đó đã hứa đủ đường là sẽ lên đúng hẹn.
Không có sự chuẩn bị trước nên gia đình chị rơi vào một hoàn cảnh hết sức "bi đát": con cái không có ai chăm đành phải gửi hàng xóm trông theo giờ với giá cắt cổ, nhà cửa bề bộn bẩn thỉu không người dọn, vợ chồng cãi nhau vì bất đồng quan điểm trong việc phân chia việc nhà...
Rút kinh nghiệm, Tết năm nay, chị quyết định bằng mọi giá phải giữ cho bằng được “cái Phương” (cô bé giúp việc) ở lại nhà mình ăn Tết.
Hết nói khó rồi đến nịnh nọt mãi thì cuối cùng cô bé giúp việc cũng đồng ý ở lại ăn Tết cùng gia đình. Mừng còn hơn bắt được vàng, để cô bé thấy rõ sự quan tâm cũng như thành ý cảm ơn của gia đình, chị Liên lập tức đưa Phương đi chợ sắm sửa quần áo, giày dép để đi chơi mấy ngày xuân.
Những việc như lau dọn đồ đạc, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng cơm nước vốn thường ngày là việc của Phương nhưng chị Liên cũng xắn tay làm hết. Chị sợ cô bé phải làm nhiều việc lại thấy tủi thân và đòi về quê ăn Tết.
Mấy ngày cận Tết, mua sắm thứ gì hay nấu nướng món gì chị Liên cũng hỏi ý kiến Phương. Chị muốn cô bé thấy gia đình mình coi cô bé như người trong nhà, cô bé là một thành viên không thể thiếu trong gia đình.
Mùng một Tết, chị lì xì cho cô bé hẳn 500 nghìn, số tiền gần bằng một nửa tháng lương của Phương. Gia đình đi chúc Tết ở đâu chị cũng đưa Phương đi theo. Mấy ngày mùng 2, mùng 3 Tết, sợ cô bé nhớ nhà, chị còn đưa Phương đến các địa điểm vui chơi công cộng như lễ hội hoa, công viên giải trí...
Chị Liên chiều Phương đến mức người nhà phải trêu “chị nịnh ôsin hơn... nịnh mẹ chồng”. Mà đúng thật! Mẹ chồng có giận con dâu chuyện gì thì cũng chỉ giận một lúc rồi thôi chứ để ôsin giận, “nó” bỏ về quê luôn trong lúc “nước sôi lửa bỏng” thế này thì đúng là chỉ có nước... méo mặt!
Cứ tưởng đối xử tử tế như thế thì cô bé sẽ yên tâm ở lại với gia đình. Ai ngờ, mùng 4 tết, mẹ Phương gọi điện lên xin cho cô bé về quê mừng thọ thượng thọ ông nội. Đành phải để cho cô bé về nhưng trong lòng thì nóng như lửa đốt, chỉ sợ có chuyện gì ôsin không lên nữa thì cả nhà lại thêm một dịp... khốn khổ.
Cuối cùng thì sự lo lắng của chị Liên đã thành sự thật. Sáng mùng 7 tết, mẹ cô bé gọi điện “xin phép gia đình cho cháu không lên nữa. Đã có đám dạm hỏi nên cháu phải ở nhà để chuẩn bị... lấy chồng!”.
“Đến là khốn khổ với ôsin! Chỉ còn có vài hôm nghỉ nữa là hết phép mà cả nhà mình thì đang cuống lên tìm người giúp việc thay thế con bé Phương đây! Cứ tưởng nịnh thế thì giữ được ôsin, ai mà ngờ nịnh thế chứ nịnh nữa thì cũng chả ăn thua”, chị Liên lại thở vắn than dài.
Chiêu bài “tăng lương”
Thời buổi kiếm người giúp việc ưng ý khó hơn “tìm kim đáy bể”, biết vậy nên trước khi ôsin về quê nghỉ Tết, chị Hiên (ngõ 101, Thanh Nhàn, Hà Nội) đã “dụ” cô bé giúp việc nhà mình bằng chiêu bài “Sau Tết, lương sẽ tăng từ 1,3 triệu lên 1,5 triệu”.
Theo chị Hiên, mức lương với người giúp việc như vậy là cũng đã khá cao rồi. Nếu như ở nhà làm ruộng, sẽ không bao giờ có được mức thu nhập cao đến như thế. Với ý nghĩ đó, chị Hiên không nghi ngờ gì chuyện người giúp việc quen thuộc gần hai năm nay sẽ tiếp tục lên làm việc cho nhà mình.
Ấy nhưng, chị cứ chờ mãi, chờ mãi, qua hẹn đến mấy hôm rồi mà không thấy bóng dáng cô bé giúp việc đâu. Sốt ruột, chị gọi điện về nhà cho cô bé thì nhận được lời thỏ thẻ: “Cháu cũng muốn lên chỗ cô chú lắm vì cháu làm ở đó quen rồi. Bản thân cháu cũng rất quý em Tôm và cô chú nhưng bố mẹ cháu không cho lên. Bố mẹ cháu ép phải đi làm cho gia đình một người họ hàng có nhà ở Cầu Giấy”.
Dò hỏi mãi, chị Hiên mới biết nguyên nhân của sự việc chính là do gia đình kia đã hứa trả lương cao hơn hẳn mức lương của gia đình chị. Không muốn mất đi cô bé giúp việc nhanh nhẹn, tháo vát, chị tốn không biết bao nhiêu tiền điện thoại để thuyết phục, hứa hẹn với bố mẹ cô bé về một mức lương thỏa đáng. Cuối cùng thì cô bé cũng lên làm việc nhà cho vợ chồng chị.
Tưởng vậy là mọi chuyện đã xong xuôi, không ngờ hưởng mức lương cao nhưng càng ngày cô bé ôsin càng ỷ lại. Nhà cửa không còn được sạch sẽ, gọn gàng như trước, việc chăm sóc em nhỏ cũng nhiều phần bê trễ. Có khi, cô bé còn sai cả ông bà chủ những việc mà lẽ ra mình phải làm như: xúc rửa bình sữa cho em bé, lau dọn bàn ăn...
Khi chị Hiên tỏ ý không bằng lòng và có góp ý nhẹ nhàng thì ngay lập tức, cô bé giận dỗi và đòi về nhà. Có lần cô ta còn dám hỗn hào với chị và nói ý rằng “không làm chỗ này thì còn nhiều chỗ khác lương cao mà công việc nhàn nhã hơn hẳn”. Nhiều lần như vậy khiến chị phát chán, muốn để cô bé đi luôn cho nhẹ nợ nhưng lại cứ nấn ná mãi vì chưa tìm được người giúp việc khác thay thế.
“Giá mà năm, mười năm mới có Tết một lần thì hay biết mấy. Như thế thì mình cũng đỡ lo cái khoản Ôsin trở chứng sau Tết thế này!”. Chị Hiên không ngớt than vãn trong khi vẫn phải đang chạy đôn chạy đáo tìm người thay thế cô bé giúp việc đang có dấu hiệu muốn “ra đi”.