Khi gia đình chồng thích thịt chó
Cô Ngô Sảnh, nhân viên làm việc cho văn phòng một công ty liên doanh tại Thành Đô, đã kể lại câu chuyện về quê ăn Tết với phóng viên Tân Hoa Xã như sau:
"Tết vừa rồi là lần đầu tiên tôi về quê chồng ăn Tết. Từ nhỏ đến khi lớn tôi quen sống tại Thành Đô trong khi quê chồng ở vùng sâu tỉnh Hồ Bắc. Bữa cơm tối đầu tiên, bà con làng xóm đến chật cả nhà để xem mặt cô dâu mới. Trước khi dọn cơm, tôi thấy bàn ăn vẫn còn dính đầy dầu mỡ nhưng người nhà chồng vẫn để đũa lên đó. Thấy thế tôi vội kéo tay chồng tôi hỏi nước rửa chén ở đâu. Chồng tôi hiểu ý dắt tôi vào nhà bếp rửa đũa. Nào ngờ mẹ chồng tôi thấy liền tỏ ý không vui và dùng phương ngữ Hồ Bắc nói gì đó với chồng tôi: Tuy nghe không hiểu nhưng tôi biết bà có ý trách móc tôi coi thường bà.
Đến lúc ăn cơm, cha mẹ chồng tôi tranh nhau gắp thức ăn bỏ vào chén tôi. Tôi hiểu ý họ làm thế là muốn bày tỏ thái độ chìu chuộng con dâu mới nhưng thật sự từ trước đến nay, tôi rất ít ăn thức ăn. Vả lại họ dùng đũa của họ gắp thức ăn chứ không dùng đũa gắp thức ăn chung như ở nhà cha mẹ tôi.
Đặc biệt hơn nữa là gia đình chồng tôi rất thích ăn thịt chó và thịt rùa. Trong khi đó, chỉ nhìn đĩa thịt thôi thì tôi cũng đã cảm thấy khó chịu vì từ nhỏ đến lớn tôi rất thích nuôi chó và xem nó như bạn thân của mình. Dù tôi nhiều lần nói không biết ăn thịt chó nhưng mẹ chồng tôi vẫn cứ gắp thịt đầy chén cho tôi và luôn miệng nói thịt chó bổ phải nên ăn nhiều. Tôi đành cắn vài miếng nhưng sau đó ra sau nhà ói hết ra ngoài".
Rửa chung thau, dùng chung khăn
Cùng một tâm trạng với cô dâu Ngô Sảnh, cô Lê Tinh là nhân viên nhà xuất bản ở Thành Đô kể lại kỷ niệm đẹp trong lần đầu tiên cô về quê chồng ở tỉnh Thiểm Tây ăn Tết. Từ nhỏ đến lớn gia đình cô sống trên thành phố. Cha mẹ cô không bao giờ gọi cô dậy sớm để chúc Tết. Còn ở nhà chồng, mới năm giờ sáng mùng một, cả nhà đã thức dậy ăn bữa cơm sáng đoàn tụ đầu năm, sau đó đến chúc Tết các nhà dì, cậu, chú, bác. Chúc Tết xong, cả gia đình lại đi bộ hơn một giờ trên những con đường dốc gồ ghề đến thăm mộ. Người lớn quỳ đằng trước, con cháu quỳ đằng sau theo ngôi thứ trong gia đình. Đây là lần đầu tiên cô thấy ở ngoài đời thật mà cứ ngỡ như trên phim ảnh.
Tuy nhiên, gia đình chồng có một thói quen mà cô rất khó thích nghi. Ở vùng quê Thiểm Tây của chồng cô nước rất khan hiếm. Sáng sớm anh chồng cô lấy nước đựng trong nồi nấu thức ăn đổ vào thau cho cô rửa mặt là thau nước vẫn còn nổi màng mỡ. Chị chồng cô và hai con trai vẫn tỉnh bơ rửa mặt chung trong một thau nước và dùng chung một khăn lau mặt. Sau đó, thau nước rửa chung ấy còn để lại dùng vào việc khác như cho gà uống hoặc giặt quần áo.
Không chỉ chuyện cách ăn, cách ở khác nhau và ngay cả cách ăn mặc cũng gây ảnh hưởng không ít đến tình cảm giữa mẹ chồng nông thôn và nàng dâu thành thị.
Cô giáo dạy trẻ Ô Thường Thụy cho biết trước khi về quê chồng ăn Tết, mẹ cô có đưa cho cô bộ quần áo cưới truyền thống của Trung Quốc rất sặc sỡ nên cô không mặc. Khi về đến nhà chồng vùng nông thôn Ninh Hạ, mẹ chồng nhìn thấy cô mặc áo màu đen đã tỏ vẻ không hài lòng. Bà lục trong tủ quần áo lấy ra chiếc áo màu đỏ vừa rộng vừa dài buộc cô phải mặc vào. Bà nói ở thôn quê, không có cô dâu mới nào về nhà chồng mà không mặc áo màu đỏ. Điều này khiến cô có cảm giác không được thoải mái.
Yêu nhau chín bỏ làm mười
Ngày nay, rất nhiều nam sinh viên nông thôn lên thành phố đi học rồi sau đó kết hôn với các cô gái thành phố và sống luôn trên đó. Tuy nhiên, những kỷ niệm tuổi thơ nơi vùng nông thôn vẫn còn trong ký ức họ. Họ vẫn cảm thấy những kỷ niệm đó rất quen thuộc và thậm chí rất yêu quý cuộc sống ấy dù chưa hẳn đó là cuộc sống tốt đẹp như ở thành thị.
Đối với cô dâu thành thị về quê chồng ở nông thôn lại khác. Thích nghi và chấp nhận cuộc sống ở nông thôn là vấn đề khá khó khăn.
Theo giáo sư Hồ Quang Vỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, mọi người thường nói khi yêu nhau là chuyện của hai người nhưng khi cưới nhau rồi lại là chuyện của hai gia đình sui gia, do đó người xưa vẫn thường xem trọng chuyện môn đăng hộ đối. Theo ông, điều này cũng có điểm đúng bởi đôi nam nữ với hai môi trường sống khác nhau khi về sống chung hay xảy ra mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, ông nhận xét không phải vì thế mà đôi vợ chồng trẻ không hòa hợp được với nhau.
Từ sau thập niên 1970, do Trung Quốc thực hiện chế độ con một, nhiều cô cậu mang tâm lý mình là con một, là trung tâm của gia đình thì ai cũng phải chìu chuộng. Do đó, các cậu ấm cô chiêu chỉ biết đến bản thân mình mà không biết thông cảm với cuộc sống của những người xung quanh. Theo giáo sư Hồ Quang Vỹ, những đôi vợ chồng trẻ thành thị nông thôn nên chủ động nói hết với nhau lối sống, tính tình, lề thói của gia đình và vùng quê mình.
Ngoài ra, các cô dâu ngày đầu về quê chồng cũng không nên so sánh cách sống của nhà chồng với nhà mình. Họ phải hiểu đó là lối sống bao nhiêu năm nay của gia đình chồng mà mình cần phải cố gắng sống hòa nhập đồng thời phải nhìn sự khác biệt ấy dưới góc độ cảm thông hơn là miệt thị.