Theo một chuyên gia xã hội học thì “lớp bạn gái làm dâu trong thời bùng nổ tri thức mạng hiểu biết rất rõ về khoa học công nghệ thông tin hiện đại nhưng lại rất “mơ hồ” về các giá trị truyền thống gia đình. Nói theo ngôn ngữ sành điệu hiện đạåi thì đó là lớp “nàng dâu thời a-còng”
Khi nàng dâu lên ngôi
Cách đây chưa lâu, bà Huỳnh Phụng, 68 tuổi, ngụ phường 6, quận 10- TPHCM, đã cầm một xấp đơn kêu cứu đến Báo Phụ Nữ, nhờ lên tiếng để các cơ quan chức năng tìm giúp nơi ở của người con trai 30 tuổi của bà. Theo bà, sở dĩ anh Chí Lộc, con trai bà, không chịu về ở với bà vì bị “vợ nó rù quến”.
Bà là người từng làm dâu thời phong kiến, bị cha mẹ chồng gò vào khuôn phép ngay từ lúc chân ướt chân ráo về làm dâu. Cảnh làm dâu cực khổ trăm bề nên bà từng nguyện với lòng rằng, khi có con dâu, bà sẽ xóa đi cái thông lệ khắc nghiệt mà bà từng chịu đựng. Bà không bắt con dâu thức khuya dậy sớm, nước rót cơm bưng hầu hạ mẹ chồng, mà chỉ muốn nhìn thấy con dâu mỗi lần đi làm về với nét mặt vui tươi, ra vô chỉ cần chào hỏi bà một tiếng vậy mà cũng không được. Buổi tối khi ngồi vào bàn ăn, bà muốn được kéo dài bữa ăn để hưởng không khí đầm ấm quây quần cả nhà sau một ngày bà cô đơn giữ nhà chờ con. Thế nhưng, con dâu bà thường bóng gió xa xôi mắng thằng cháu nội: “Có ăn nhanh không, lề mề sốt cả ruột”.
Bà tâm sự: “Biết con dâu làm việc căng thẳng ở cơ quan, nên tôi không góp ý trực tiếp mà nhờ con trai nhắc nhở vợ mỗi khi thuận tiện. Kết quả, vợ chồng nó bỏ tôi, ra ngoài mướn nhà ở”.
Không chỉ buồn như bà Phụng, mà bà Ngọc Tuyết, ở phường 2, quận Tân Bình - TPHCM, còn sợ con dâu mình ra mặt. Sau lần được chị Ngọc Mai, 24 tuổi, nhân viên công ty tiếp thị mỹ phẩm cho “ăn cơm trước kẻng”, con trai bà, anh Chung Tự, nhân viên một công ty viễn thông, cảm thấy mình có lỗi và có bổn phận lo lắng cho chị Mai suốt đời.
Biết anh là người có trách nhiệm, chị càng đem chuyện đời con gái của mình bị anh chiếm đoạt để làm nư. Để chứng minh mình hết lòng với chị, dù chưa cưới nhau nhưng bao nhiêu tiền bạc làm được anh Tự đều giao hết cho chị Mai quản lý. Xe chị Mai đứng tên, nhà chị Mai làm chủ... nhất cử nhất động anh đều lệ thuộc vào lệnh của chị Mai.
Biết con trai của mình đang bị con dâu tương lai “xỏ mũi”, nhưng mẹ anh Tự lại đâm ra sợ cô ta. Bà tâm sự: ''Chồng mất khi con lên 8, mình vừa là mẹ vừa là cha, bao yêu thương dành hết cho nó. Thấy nó cứ đi đêm về hôm, sợ theo bạn xấu nhưng nói hoài mà nó chẳng thèm nghe. Tự dưng, nay có người quản lý được chuyện đi đứng hằng ngày của nó thì còn gì bằng. Không mang ơn con dâu tương lai lại còn chọc giận, lỡ nó bỏ con trai mình, thì mất cả chì lẫn chài”.
Tình - hiếu rạch ròi
Có không ít lời bình luận về lớp nàng dâu a-còng. Dưới mắt nhiều người, những nàng dâu a-còng là người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền để hưởng thụ cho chính mình và khẳng định sự thành đạt cá nhân, mà quên việc cá nhân mình tồn tại được là chính nhờ những quan hệ ràng buộc xung quanh. Với họ, mẹ chồng “chẳng là cái đinh gì”, thích thì sống chung, không thích thì dọn đi nơi khác.
Thật ra, không phải tất cả họ đều “chảnh” như vậy. Cần phải thấy những mặt tích cực ở cách giải quyết hơi “ngược truyền thống” của lớp dâu trẻ này. Lớn lên trong thời bình, họ thừa hưởng trọn vẹn nền kinh tế tri thức đang lan tỏa trong xã hội. Tiếp thu cái mới để điều chỉnh (hoặc phá bỏ) những quan hệ truyền thống (hoặc lạc hậu) theo hươëng hiện đại, là tâm trạng và mong muốn phổ biến của hầu hết lớp trẻ. Họ biết bổn phận dâu con và muốn thực hiện bổn phận đó một cách chủ động vì muốn được tự do, không bị áp đặt phải thực hiện nghĩa vụ một cách bị động theo ý của người ngoài (cha mẹ, họ hàng hai bên).
Khảo sát ''Xung đột trong 200 gia đình trẻ (tuổi đời chưa quá 30, sống chung chưa quá 5 năm, cả hai đều tốt nghiệp đại học) từ góc độ văn hóa” của nhóm sinh viên ĐH Mở - TPHCM thực hiện năm 2002 cho thấy: có 79,3% nữ cho rằng mình lập gia đình trên cơ sở tình yêu thật sự; 64,8% nam giới cũng trả lời như vậy. Rõ ràng lớp trẻ ngày nay gần như không bị áp đặt trong chuyện hôn nhân. Khảo sát trên cũng chỉ ra hơn 10 loại nguyên nhân dẫn đến xung đột (kinh tế, quan điểm, tính cách, sử dụng thời gian nhàn rỗi, ghen tuông...) trong đó, xung đột do mâu thuẫn trong cách suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình chiếm tỉ lệ khá cao: 54,6% có gây gổ một lần/tháng. Ở góc độ khác, có hơn 60% các cặp vợ chồng cho rằng mình không khi nào để xảy ra xung đột do nguyên nhân mâu thuẫn từ bố mẹ vợ (chồng) hoặc quan hệ họ hàng đôi bên.
Trên thực tế, với thế hệ nàng dâu a-còng, gia đình chồng không phải là vấn đề quan trọng thứ nhất trong đời sống, nhưng vì “qua sông” thì các nàng dâu phải “lụy đò”. Tuy nhiên, theo họ phải “lụy” một cách sòng phẳng, hai bên cùng có lợi. Đôi khi cách cư xử mang tính “trao đổi ngang giá” này của các nàng dâu có học vấn, độc lập về kinh tế lại là nguyên nhân dẫn đến những xung đột với mẹ chồng.
Để hạn chế điều này, chị Tuyết Phượng, 28 tuổi, nhân viên một công ty chế biến gỗ xuất khẩu, cho biết: ''Trước khi cưới, chúng em đã thỏa thuận một kế hoạch rất rạch ròi bao gồm mọi chuyện, từ tiền bạc, nơi ăn chốn ở, đến quan hệ cha mẹ, họ hàng hai bên. Theo đó, sau tuần trăng mật, vợ chồng phải thuê nhà ở riêng, cuối tuần về thăm cha mẹ một lần. Đầu tháng gửi một khoản tiền đủ cho bố mẹ chồng tiêu xài, đám tiệc, bỏ ống... Những ngày lễ, tết... vợ chồng chủ động đến đón cha mẹ đi ăn nhà hàng, đi nghỉ mát... Nói chung, em lường trước mọi nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần của cha mẹ chồng và chủ động đặt ra kế hoạch để thực hiện... từ xa. Thà mỏi chân còn hơn mỏi miệng, mà kết quả vẫn vẹn cả đôi đường tình - hiếu như nhau”.
Chị Minh Thu, 30 tuổi, Giám đốc Công ty Tin học C&T, nói: “Trong xã hội thời hội nhập, gia đình Việt Nam chịu tác động từ nhiều hình thức văn hóa xã hội khác nhau, nhưng ở Việt Nam, quan hệ họ hàng, ruột thịt vẫn là quan hệ cơ bản của gia đình. Trong đó quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là quan hệ vẫn được nhiều người soi xét, để đánh giá tính bền vững của một cuộc hôn nhân. Chồng tôi là con trai một, nên khi lấy anh ấy, tôi đã thử hỏi liệu mình có chấp nhận được sự phụ thuộc vào mọi chuyện đặt để của mẹ chồng tương lai hay không? Làm thế nào để anh vẫn vừa là người con hiếu thảo lại vừa là người chồng hết mực yêu thương vợ...
Sự đắn đo có tính toán của tôi không phải là để tìm cách từ chối trách nhiệm, mà là một phép thử để đo sự phản ứng của mẹ chồng tương lai trước nguy cơ con trai mình bỏ rơi mẹ và muốn bà chủ động lên tiếng “đàm phán”. Quả thật, bằng tình thương con, bà đã chủ động mời tôi đến nhà ăn cơm và xác định “phần cứng” tối thiểu phải làm của tôi ở nhà chồng và “phần mềm” tối đa sẽ thực hiện của bà đối với con dâu tương lai. Năm năm qua, dù ở trong nhà chồng nhưng tôi luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc trọn vẹn vì không phải gập một tình huống xấu nào từ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu”.