Tôi là gái Sài Gòn chính hiệu, từ nhỏ đến lớn chỉ biết ăn học rồi đi làm, chuyện bếp núc dở tệ, chẳng biết làm gì ngoài mấy việc nhỏ như nấu cơm, luộc rau và vài món đơn giản mà có bữa ăn ngon miệng, có bữa nuốt hoài không trôi. Vả lại, mẹ tôi cũng không khéo léo mấy trong việc tề gia nội trợ, mấy ngày tết chỉ ra siêu thị mua vài món cho cả nhà thôi, chứ không có bày làm này làm nọ như ở quê. Vì lỡ yêu và lấy anh chàng “hai lúa”, nên nghỉ tết là tôi phải khăn gói theo chồng về quê để làm dâu, đến tận ngày đi làm mới được trở về tổ ấm của mình.
Ảnh minh họa
Năm ngoái mới cưới nhau có 2 tháng thì đến tết, nghe chồng tôi kể chuyện ăn tết ở quê anh, tất cả các món dùng trong ba ngày tết đều phải do nhà tự làm từ ngày hăm mấy tháng Chạp. Còn chuyện lễ nghĩa họ hàng thăm viếng nhau, khách đến phải bánh mứt, trà nóng, đãi ăn… mà mẹ chồng tôi lại là người khéo léo và kỹ tính nữa. Tôi nghe mà nổi hết “da gà” và nghĩ nhỡ mà có thất nghiệp, tôi cũng kiếm việc gì đó làm để trụ lại ở thành phố chứ không bao giờ về quê đâu, cực vậy làm sao tôi chịu nổi. Cận tết ai nấy háo hức, còn tôi thì bồn chồn lo sợ mình vụng về sẽ bị quở trách. Đến ngày 26 tết cơ quan đã cho nghỉ tết mà tôi vẽ chuyện, nói dối chồng phải vào làm cho xong mấy việc trước tết, để ra giêng công việc không ùn ứ ảnh hưởng việc công ty. Tôi dùng dằng cốt để về nhà chồng càng ít ngày càng tốt. Vậy mà ông xã tôi cũng dễ thương ghê, không chút hoài nghi còn điện thoại về mẹ, nói giúp tôi lý do không về sớm được.
Đến tận chiều 29 tôi mới diện kiến nhà chồng. Bước vào nhà, tôi thật sự ngỡ ngàng vì mọi thứ trong nhà đều sạch bóng, vào bếp thì ôi thôi lủ khủ: nồi thịt kho nước dừa nè, nồi khổ qua dồn thịt, chảo nội tạng heo phá lấu; nem chua, lạp xưởng, chả lụa, bánh tét; bên kệ bếp các hũ dưa chua, dưa cải, dưa kiệu, dưa hành, rồi các loại bánh mứt… món nào cũng nhiều hết biết. Nói thiệt nghen, nhỏ lớn tôi chưa từng thấy bao giờ. Như đọc được suy nghĩ của tôi mẹ chồng giải thích: “Ở quê nhà nào cũng vậy đó con, hồi mới về làm dâu bà nội con, mẹ cũng có biết làm gì đâu, rồi học hỏi từ từ, mai mốt con cũng vậy thôi mà”. Tôi thầm nghĩ không biết đời thuở nào tôi mới đảm đang như mẹ.
Đúng như chồng tôi nói, ba ngày tết nhà cứ có khách, tôi chỉ việc mang bánh mứt và nấu nước pha trà ra mời chào hỏi khách, khách về dọn dẹp rửa ly; bà con ở xa đến thì dọn ăn; đến bữa ăn hâm nóng thức ăn dọn lên bàn thờ cúng ông bà, rồi dọn xuống ăn cho cả nhà cùng ăn, rồi lại lụi cụi rửa chén bát… tay chân tôi mỏi nhừ. Mà điều làm tôi xấu hổ nhất là bà con đến nhà, ai cũng nói mẹ chồng tôi năm nay sướng vì có con dâu trưởng phụ chuyện bếp núc đỡ cực hơn, chứ mọi năm nhà toàn “đực rựa” việc gì cũng chỉ mình mẹ làm. Mẹ chồng tôi nghe vậy cười tít mắt nói: “Đỡ nhiều lắm, phải biết vậy cưới sớm hơn”, tôi ngượng chín cả người.
Rồi mấy ngày tết cũng trôi qua, lần đầu tiên trong đời ăn tết ở quê, tôi nhận ra một điều: tết ở quê rất cực nhưng mà cũng rất vui, bà con lối xóm gần gũi thân thiện. Bởi vậy, Tết năm nay dù tôi bụng mang dạ chửa ì ạch, mới ngày đưa ông Táo về trời tôi đã rủ ông xã làm đơn xin nghỉ phép để về quê sớm phụ mẹ. Chồng tôi ngạc nhiên, trố mắt hỏi: “Ủa, năm nay vợ không còn sợ công việc ùn ứ nữa sao?”. Tôi ngượng ngùng lí nhí: “Mỗi năm công việc mỗi khác chứ chồng”. Ông xã tôi bỗng bật cười sặc sụa phán: “Chứ không phải năm ngoái vợ trốn làm dâu rồi diện cớ sao”. “Úi cái anh này, đi guốc trong bụng người ta hồi nào không biết”, tôi véo chồng một cái đau điếng.
Có chồng và mẹ chồng dễ thương như vậy, cực khổ cỡ nào tôi cũng vượt qua tuốt. Làm dâu mấy ngày tết là chuyện nhỏ thôi!