Lá bình bát mọc so le, hình trái tim, hoa màu trắng, có năm cánh. Trái lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng, lúc chín có màu đỏ rực, ăn khá ngon, ngọt.
Vào những ngày hè nóng nực người dân quê thường tìm các loài rau vườn có vị thuốc như: rau mướp đắng rừng, rau má, rau bồ ngót, mồng tơi, cải trời… để nấu canh, cải thiện bữa ăn gia đình giúp cho cơ thể thanh nhiệt. Đặc biệt trong các loài cây cỏ mọc tự nhiên ngoài vườn, có một loài dây leo leo rất khỏe, dùng nấu canh ăn rất ngon và ngọt, được nhiều người ưa thích.
Bình bát (có nơi còn gọi là rau bát, dưa dại…), ai đã từng ăn qua một lần sẽ khó mà quên, bởi cái hương vị ngọt mát, thanh nhẹ từ những muỗng canh cho người ăn cái cảm giác nóng bức dường như đang dần hạ nhiệt, vừa thơm, vừa ngọt, một vị ngọt đậm đà, đặc trưng.
Rau bình bát thường xuất hiện trong những bữa cơm gia đình của người dân quê. Đây là món rau “tự nhiên” rất dân dã của miệt vườn vùng nông thôn, các bà nội trợ thường dùng để luộc hay nấu canh rất ngon. Khi nấu chín, lá vẫn còn độ giòn rất riêng, vị ngọt thanh, người dân quê gọi đó là đặc sản của vùng thôn dã yên tĩnh.
Hôm nào trời mưa hay không phải ngày chợ phiên, mẹ tôi lại ra vườn hái đọt và những chiếc lá non bình bát lành lặn, đem rửa sạch, để ráo và nấu canh. Rau bình bát không kén đồ nấu, tùy khẩu vị mà có thể kết hợp nấu canh với tôm, tép, thịt heo, thịt bò, cá trê, cá lóc v.v…sẽ có bát canh bổ dưỡng với vị ngọt mát tự nhiên tăng thêm hương vị cho bữa cơm gia đình, dù nấu với bất cứ thứ gì thì khi ăn vẫn ngửi được mùi thơm của rau và người ăn sẽ có cảm nhận rõ vị ngọt béo mà không thể lẫn với bất cứ loại rau nào.
Nhưng muốn có một tô canh lá bình bát có mùi vị đặc trưng, vừa ngọt lại thơm ngon, đúng bài, đúng điệu và có hàm lượng dinh dưỡng cao thì không có thứ đồ nấu nào sánh kịp khi nấu canh với hột vịt lộn. Tô canh rau bình bát nấu hột vịt lộn rất đặc trưng múc ra còn nóng hổi, nhìn bắt mắt ăn với cơm nóng lúa mới đã ngon lại bồi bổ cho sức khỏe. Vị ngọt của canh hòa quyện với mùi thơm ngọt của gạo mới… ăn hoài không biết ngán. Hoặc làm lẫu hột vịt lộn ăn với bún và món rau chính của lẫu là rau bình bát.
Khi nấu canh các bạn phi hành với dầu vừa vàng thơm, đổ ít nước đã đun sôi, nêm các loại gia vị cho vừa ăn, cho trứng vịt lộn vào đậy kín nắp cho trứng chín, cho rau bình bát vào đun lửa lớn vừa sôi là nhắc xuống liền không để lâu rau chín quá mất ngon.
Còn nhớ ngày ấy quê tôi nghèo xơ xác, những năm hạn hán, bão lụt gây mùa màng thất bát, làng quê nhà nào cũng nghèo đói khốn khổ, một lon gạo độn một “rá” khoai khi thì lang khi thì sắn, cả nhà tôi bữa cơm không nhờ có món canh bình bát nấu với mấy con cua đồng “đẩy trôi” khoai thì cũng dễ “mắc nghẹn” như chơi. Còn món vịt lộn nấu với bình bát phần lớn chỉ dành để chiêu đãi khách khứa và những người thân quen từ xa đến thăm hay những người mới ốm dậy, đau yếu bệnh tật cần bồi bổ mới được thưởng thức.
Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân quê tôi cũng khá dần lên, đám cưới đám giỗ, ngày lễ ngày tết được thưởng thức nhiều món ăn ngon mới lạ. Nhưng khi có khách quý tới thăm nhà mẹ tôi vẫn không quên nấu món canh bình bát hột vịt lộn để đãi khách, món ăn tuy dân dã nhưng rất độc đáo mà chắc ít có người thành thị được thưởng thức hay biết đến, bởi cái “tinh hoa” của vườn quê đất mẹ là một trong những yếu tố cấu thành nên món ngon khá “đặc biệt” có nhiều giá trị dinh dưỡng này cộng thêm hương vị thơm ngon của rau thấm đẫm đến tận chân răng đầu lưỡi, nên thực khách rất vui, hài lòng và nhớ đời.
Theo năm tháng dãi dầu, bây giờ lớn lên đi xa, mưu sinh nơi chốn phồn hoa phố thị, những món ăn dân dã ngày xưa ở quê cũng đã thành kỷ niệm, ví như nhịp sống của quê hương trên mỗi bước đường... và cuộc đời con người cũng đã đi qua không ít những chặng đường đó. Thỉnh thoảng nhớ món ngon quê nhà lại ra chợ tìm mua mớ rau bình bát về nấu với hột vịt lộn, nhưng cũng chẳng dễ dầu gì có để mà mua.