Nhà bạn ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có vườn cây trái xum xuê mát rượi nên năm nào tới dịp tết Đoan Ngọ bạn cũng rủ về chơi. Cù lao Ngũ Hiệp gần cù lao Tân Phong, nơi nổi tiếng với món ốc gạo, nên tiếng là về ăn trái cây nhưng lần nào đến nơi, tôi cũng phóng ra bến đò vác về vài ký ốc. Ố gạo ở đây rẻ rề, chỉ khoảng 12.000 đồng/ kg mà con nào con nấy mập ú.
Trưa, ba mẹ bạn hỏi tụi bây thích ăn cơm với món gì để nấu thì cả bọn lắc đầu quầy quậy: Tụi con ăn ốc gạo được rồi bác ơi!
Ăn ốc gạo không tính bằng con mà tính bằng ký, đếm đầu người mỗi người một ký. Mua ốc về trút vô thau, nếu có nước vo gạo đổ thì quá tốt còn không trút mớ ớt khô vào cho ốc nhả bớt chất dơ. Trong thời gian chờ ốc sạch, đứa ra vườn hái chanh, moi gừng, nhổ sả; đứa đâm tỏi ớt, bằm thơm để làm 2 loại nước chấm và mắm gừng và mắm nêm.
Ngâm ốc độ nửa tiếng vớt ra rửa sạch cho vô nồi, phủ lên trên mớ lá sả, ổi, chanh và tuyệt đối không chế thêm nước sẽ làm nhạt ốc. Mẹ bạn cẩn thận dặn dằn thêm chút muối cho ốc ngọt hơn.
Trong khi luộc ốc gạo, nhiều khi nôn quá cứ mở vung thăm chừng coi sôi chưa là thất sách. Phải kiên nhẫn đậy kín nắp nồi đến khi nghe tiếng xôi lao xao mới mở vung ra lấy đũa khấy đều. Để giữ hơi nóng nhiều người còn để nguyên nắp vung rồi cầm hai bên quai nồi mà sốc. Làm như vậy ốc sẽ chín đều và căng mọng.
Khi ốc sôi vài dạo, mài văng ra để lộ mớ thịt trắng đục, căng mọng thì nhắc nồi xuống là vừa. Trên nhà, nơi hàng hiên, mấy cái miệng háo ăn đã ngồi chực sẵn với chén mắm gừng và mớ gai bưởi trước mặt.
Ốc luộc xong trút ra rổ tre, bên dưới kê cái thau để rỏ nước, bốc khói nghi ngút, thơm điếc mũi. Dù còn nóng phỏng tay nhưng cả bọn vẫn bất chấp lao vào tả xung hữu đột. Những bàn tay xoắn lia, từng chú ốc gạo trắng nõn nà tuột ra khỏi vỏ, ăn không thôi đã ngọt, chấm vào chém mắm gừng còn thơm tho, đậm đà hơn.
Trưa miền quê vắng lặng, trong tiếng gió lao xao của hàng dừa trước ngõ chỉ nghe âm thanh lách cách của những chiếc vỏ ốc đã lể sạch ruột va vào nhau; tiếng xuýt xoa, hít hà của cô bạn không quen ăn cay nhưng vì đồng bào phải tập tành cho biết.
Khi mớ ốc gạo nguội dần, bao tử đã lưng lửng thì bàn tiệc được dời sang một góc khác đã để sẵn rổ rau sống, dĩa bún, mớ bánh tráng và tô mắm nêm. Lấy miếng bánh tráng thoa chút nước, trải lên đó ít rau sống, bún rồi lể vài con ốc gạo vào cuốn lại chấm với mắm nêm, bạn sẽ có món gỏi cuốn ốc gạo vừa lạ vừa ngon chẳng kém gỏi cuốn tôm thịt bán ở Sài Gòn.
Ba mẹ bạn không tham gia bữa tiệc ốc với lý do “tao ăn nhỏ lớn ngán rồi” và ngồi rìa một bên cho có tụ. Thấy cả đám lặc lè, bác trai mang ra một chai rượu nhỏ bảo mỗi đứa uống một chung cho ấm bụng vì “ốc gạo mát lắm, đứa nào không quen coi chừng đau bụng”.
Khi rổ ốc chỉ còn lại vỏ thì cả đám đã no say. Dọn dẹp xong mớ chiến trường, tôi lăn ra cái hàng hiên đầy gió và nghe mi mắt mình nặng trĩu. Trong giấc ngủ mơ màng, nghe nhỏ bạn liến thoắng: Ăn ốc gạo đạm nhiều lắm, no tới chiều luôn nên bác đừng có nấu nướng gì nữa nha”. Rồi nghe tiếng bác gái: “Tụi bây thiệt tình, sao lần nào về cũng ăn mỗi ốc gạo, ăn hoài không chán hay sao?”.
Cái gì ăn nhiều mà không ngán nhưng về nhà bạn ăn ốc gạo thì đã trở thành ghiền. Ghiền ở đây là ghiền cái hàng hiên mát rượi nhà bạn; ghiền cái mùi ốc luộc được quyện bởi lá sả, lá ổi, lá chanh mà mùi ốc luộc ở Sài Gòn không bao giờ có được.
Bạn có gia đình đã theo chồng lên Tây Nguyên được 1 năm hơn. Chốn đi về lể ốc của cả nhóm không còn nữa. Thi thoảng đi chợ gặp thèm quá cũng mua về luộc nhưng ăn không thấy ngon. Chắc bởi do nhà Sài Gòn chật hẹp, thiếu cái hàng hiên lộng gió như nhà bạn.