GenZ sống trong thời kỳ bùng nổ về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo nên cách họ tiếp thu, cập nhật thông tin mới về những điều mình còn băn khoăn cũng rất khác các thế hệ trước.
Khi GenZ come out, cha mẹ nên làm gì?
Theo Nhà hoạt động Quyền LGBT Huỳnh Minh Thảo, việc tìm hiểu và công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới của GenZ cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. Thực tế, vấn đề LGBTIQ+ cũng đang ngày một bình thường hoá ở Việt Nam cho nên một bộ phận các bạn GenZ xem đó là chủ đề bình thường mà ai cũng hiểu và chấp nhận, không cần quá căng thẳng để chia sẻ.
Chính vì GenZ cập nhật thông tin nhanh và bình thường hoá các chủ đề LGBTIQ+ sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh rơi vào thế khó khăn và bị động. Nhiều trường hợp mâu thuẫn thế hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng khi cả hai không chịu ngồi lại và chia sẻ cùng nhau. Vì vậy, việc chủ động tìm đọc, trang bị cho mình những thông tin mới về đa dạng giới và tính dục cũng sẽ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn cởi mở và gần gũi hơn với các con.
Việc cập nhật thông tin, các bậc phụ huynh có thể tham khảo ở các trang tin về chủ đề LGBTIQ+ uy tín như https://thuvien.lgbt hoặc các trung tâm chuyên về thúc đẩy quyền cho cộng đồng LGBTQ+ như Trung tâm ICS ở TP HCM hoặc Viện nghiên cứu iSEE tại Hà Nội.
Những khuyến nghị đáng chú ý
Kết quả khảo sát online ngẫu nhiên trên 84 người trong cộng đồng LGBTIQ+ mới đây của nhóm sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) với chủ đề: "Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và chỗ dựa xã hội của Cộng đồng LGBT trong tiến trình công khai xu hướng tính dục", độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, cho thấy người đặc biệt và bạn bè tác động tích cực đến hoạt động công khai tính dục ở một mức độ đáng kể.
Theo bà Võ Thị Ngọc Xuyên, Trưởng nhóm sinh viên làm khảo sát, dựa trên kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu phân tích và đưa ra một số kiến nghị nhằm giảm thiểu khó khăn, thích ứng tốt với nhiều sự thay đổi từ gia đình và xã hội khi Cộng đồng LGBT công khai xu hướng tính dục (come out).
63% nhóm đối tượng LGBT tham gia vào nghiên cứu đã công khai xu hướng tính dục, tỉ lệ này tương đương ở các nhóm tuổi khác nhau. Khi xem xét dữ liệu về xu hướng tính dục, thống kê thấy rằng nhóm chiếm tỉ trọng cao nhất là nhóm đồng tính (chiếm 45%), trong đó 80% là đồng tính nam, 20% là đồng tính nữ. Tiếp theo là nhóm toàn tính (21%) và nhóm song tính (14%). Song tính nữ chiếm ưu thế hơn so với song tính nam. Tỉ lệ công khai xu hướng tính dục thấp nhất ở nhóm song tính (58%) và cao nhất ở nhóm xu hướng khác (73%).
Trong nhóm đối tượng LGBT tham gia khảo sát, nhóm độc thân chiếm tỉ lệ chính (81%). Trong đó, kết quả khảo sát cho thấy có 59% đối tượng LGBT trong nhóm độc thân xác nhận đã công khai xu hướng tính dục, con số này cao hơn đối với nhóm đã kết hôn (86%).
Xét trên tình trạng trầm cảm, lo âu và stress thì nhóm đối tượng LGBT thực hiện khảo sát chủ yếu thuộc nhóm có tình trạng bình thường. 88% số lượng khảo sát thuộc nhóm bình thường đối với mệnh đề kiểm tra mức độ trầm cảm, 77% đối với lo âu và 94% đối với nhóm stress. Tỉ lệ công khai ở các nhóm tình trạng sức khỏe tâm thần cho kết quả tương đương. Riêng đối với nhóm lo âu mức độ nhẹ có tỉ lệ thấp hơn (38%) so với mức hơn 60% của tổng nhóm đối tượng khảo sát.
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa một số kết luận: Sức khỏe tâm thần (dựa trên đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và stress) không có tác động đến việc công khai xu hướng tính dục của cộng đồng LGBT. Một người có sức khỏe tâm thần tốt vẫn chưa chắc đã công khai hoặc sẽ công khai xu hướng tính dục của bản thân. Chỗ dựa xã hội (dựa trên đánh giá nhận thức về hỗ trợ xã hội) có tác động thuận chiều đến việc công khai xu hướng tính dục của cộng đồng LGBT. Trong đó, sự khích lệ và hỗ trợ của từ bạn bè hay người đặc biệt có tác động tích cực đến việc công khai, nhân tố gia đình được cho thấy là không có tác động đến việc công khai của cộng đồng LGBT.
Như vậy, có thể thấy rằng chỗ dựa xã hội, nhất là người đặc biệt và bạn bè là động lực lớn giúp người LGBT củng cố sức mạnh và niềm tin, để tự tin sống đúng với bản thể của họ. Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo ra môi trường hỗ trợ và chấp nhận đối với cộng đồng LGBT, từ đó khuyến khích họ công khai xu hướng tính dục của bản thân mình. Ngoài ra, qua phân tích, nhóm cũng nhận thấy đa số người khảo sát đã công khai xu hướng tính dục, đã có việc làm ổn định… Vì vậy có thể đó là lý do khiến họ giảm áp lực, stress và trầm cảm.
Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh
Nhóm sinh viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đã đưa ra một số khuyến nghị để giúp cộng đồng LGBT có được sự hỗ trợ từ xã hội nói chung và nhóm bạn bè hay người đặc biệt nói riêng.
Về các hoạt động giáo dục, cần tuyên truyền, thúc đẩy đưa các nội dung liên quan đến LGBT trong các chương trình giáo dục trường học, giúp học sinh hiểu và chấp nhận về sự đa dạng trong xu hướng tình dục và giới tính. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để giới thiệu về cuộc sống, trải nghiệm và những thách thức mà cộng động LGBT đang phải đối diện, để xã hội có cái nhìn đúng đắn, gỡ bỏ định kiến và các rào cản về LGBT.
Với truyền thông, cần tạo điều kiện cho những câu chuyện thành công của cộng đồng LGBT xuất hiện nhiều hơn, giúp xã hội hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ.
Hỗ trợ tài chính, để cung cấp dịch vụ tâm lý, y tế và xã hội để cộng đồng LGBT dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, chọn hình thức phù hợp để cung cấp tài liệu và hỗ trợ cho gia đình, người thân của người LGBT để họ hiểu và sớm chấp nhận xu hướng tính dục của con mình.
Tạo bình đẳng thông qua việc thúc đẩy việc thực hiện các chính sách bình đẳng tại nơi làm việc, trong xã hội, bao gồm việc bảo vệ người LGBT trước những hành vi phân biệt và kỳ thị.
Với chính sách pháp luật, Nhà nước cần thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ các chính sách pháp luật bình đẳng, và bảo vệ quyền lợi của người LGBT, bao gồm việc hợp pháp hôn nhân đồng giới và việc nuôi dưỡng con cái. Đặc biệt, chính bản thân cộng đồng LGBT cần tự tin về bản thân và danh tính của mình, sống lành mạnh và tích cực, từ đó không chỉ tạo được lòng tin tưởng mà còn khuyến khích sự chấp nhận từ phía người khác đối với mình.
Những dấu ấn khởi sắc
Từ những năm 2000, LGBTQ+ vẫn còn là chủ đề cấm kỵ, tiêu cực trên báo chí. Đến những năm 2010, phong trào LGBTQ+ mới thực sự khởi sắc và mang lại nhiều dấu ấn như: chiến dịch Tôi Đồng Ý, sự kiện VietPride (tự hào đa sắc), ngày hội Tôn vinh sự đa dạng, dành trình Hiểu về con (của các bố mẹ có con thuộc cộng đồng LGBTQ+)… Hay các hoạt động chia sẻ, tham vấn cộng đồng cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế để soạn thảo các điều luật hỗ trợ cho cộng đồng LGBTQ+ như: Luật Hôn nhân cùng giới, Luật chuyển đổi giới tính…
Tháng 8-2022, Bộ Y tế đã có công văn số 4132/BYT-PC yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế… chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Cụ thể là phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các đối tượng này; đặc biệt không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh.
Ngày 10-4-2023, tại phiên họp thứ 22 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã có tờ trình đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới nhằm khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ. Cơ sở xây dựng Luật này dựa trên quyền chuyển đổi giới tính của công dân, quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân. Khi có Luật Bản dạng giới, cộng đồng LGBTIQ+ sẽ tự tin về tư cách bình đẳng. Họ không buộc phải phản bội cảm xúc chính mình, gây tội lỗi, thậm chí tội ác đối với đời sống tinh thần của chính bản thân…
Sau đó, Chính phủ đã có Văn bản số 113/CP-PL tham gia ý kiến về nội dung đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới mà đại biểu Quốc hội đã nêu. Chính phủ nhìn nhận việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để thể chế hóa một số nội dung liên quan đến Quyền con người đã mà Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nói rõ.
Theo tờ trình này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét, đưa Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 dự kiến vào tháng 10-2024. Sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 dự kiến vào tháng 5-2025.
Đến ngày 12 -5-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Sau đó, ngày 17-5-2023, Liên Hiệp Quốc đồng hành cùng các cá nhân và tổ chức trên thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới.
(Còn tiếp)