Thế giới đã công nhận con người có ba giới tính khác nhau: nam, nữ, và liên giới tính. Nhắc tới giới tính, chúng ta luôn dùng đặc điểm giới tính sinh học trên cơ thể để xác định. Trong LGBTIQ+, có "I" là giới tính (Intersex). Thế giới gọi là LGBT hiện nay đã rất đa dạng và cập nhật thêm IQ+. Đây không phải là một hiện tượng, một vấn đề mới hay xa lạ trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta chúc mừng cho những ai come out thành công, tự tin là chính mình, sống hạnh phúc, thành công.
Câu nói mở ra cánh cổng hạnh phúc
Chị Hạnh (nhà quận 4, TP HCM) có 2 con trai là người đồng tính. Phải mất 10-15 năm sau khi con come out thành công, nhìn con thành đạt, vui vẻ, chị mới thật sự an lòng, hết áy náy vì trước đây đã không tìm hiểu về giới tính của con sớm. Quan trọng hơn là chị đã cảm thấy bình thường khi trả lời với bạn bè, người thân về câu hỏi: "Con mày đồng giới hả?".
Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS
Con lớn của chị là Phan Quốc Bảo, năm nay 30 tuổi, đang sống và làm việc ở Mỹ. Bảo từng tham gia Got Talent, lên sóng trên VTV1 (năm 2014). Con thứ 2 của chị là một Master Chef, từng lên sóng nhiều chương trình Master Chef khá nổi tiếng.
Phan Quốc Bảo đã come out khi đi du học cấp 3 ở Mỹ. Để tìm hiểu về giới tính thật của mình, khi sang Mỹ, Bảo đã tìm đến tổ chức, hội nhóm liên quan cộng đồng LGBT để được thể hiện giới tính thật của mình và để được bảo vệ.
Khi con có bạn trai, định về Việt Nam ra mắt và đám cưới thì chị Hạnh mới biết giới tính thật của con qua một người bạn ở Mỹ. Chị buồn và sốc bởi trước đó, chị không hiểu nhiều về LGBT. Đó cũng là lý do chị thấy hối hận, thương con đồng thời cũng thấy mình có lỗi với con quá nhiều. Vì lẽ ra chị đã phải tìm hiểu về LGBT sớm, phải gần gũi con mình nhiều hơn để con sẵn sàng chia sẻ mọi ưu tư, muộn phiền.
"Sau khi come out với gia đình, con tôi đã nói vài điều làm tôi "nổi da gà": "Mẹ có biết khi con đồng tính dục, con đã ghét bản thân cỡ nào không. Con khổ sở, con stress tới mức nhiều lần đạp xe đi học về, đi qua cầu con định nhảy sông tự tử chết cho rồi" - chị Hạnh tâm sự.
Thật sự tới hiện tại, chị mới hoàn toàn tự tin thừa nhận với bạn bè, họ hàng, lối xóm rằng con mình là LGBT, chứ trước đây chị từng "đóng cửa" hoàn toàn với các câu hỏi liên quan đến giới tính con mình.
"Tôi khuyên các bậc phụ huynh hãy tìm hiểu bản dạng giới, xu hướng tính dục từ sớm, để hỗ trợ con mình tốt nhất trong việc come out, để con thể hiện bản thân, tự tin là chính con. Đó cũng là giải pháp duy nhất để con sống hạnh phúc trọn vẹn, đóng góp tích cực cho xã hội" - chị Hạnh bộc bạch.
Bức thư đẫm nước mắt
Kết quả của việc viết tâm thư, thuyết phục mẹ chấp nhận mình là người đồng giới được xem như là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Thành - Co Founder của Yên Studio Yoga.
Mẹ "phát hiện" Thành đồng tính vào năm học lớp 10 khi đọc lưu bút của Thành. Hai mẹ con đã khóc cùng nhau. Thành gần như van xin mẹ để được thừa nhận. Lần đó, mẹ đã nghe, biết nhưng chưa thật sự thấu hiểu. Một thời gian dài sau đó, mẹ vẫn không chấp nhận. Mẹ kiểm soát Thành hơn. Đưa đón đi học, không cho chơi với bạn và luôn trong tâm thế "cầm chổi chà" không cho Thành ra đường. Khi hết cấp 3, Thành đưa người yêu về nhà, mẹ "bằng mặt chứ không bằng lòng". Không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, không có sự thấu hiểu, sẻ chia.
Mãi đến năm 25 tuổi, Thành quyết định viết một bức tâm thư cho mẹ để chia sẻ những khổ đau, niềm đau mà mình đã trải qua trong khoảng thời gian mà hai mẹ con không kết nối. Đặc biệt, Thành đã nói với mẹ về những người bạn cũng như mình nhưng được ba mẹ chấp nhận, họ sống rất hạnh phúc. Khi đọc đến đoạn có người không được chấp nhận, áp lực dẫn đến việc tự tử thì mẹ đã lập tức điện thoại gọi Thành về nhà và nói: "Dù con có là ai, có thế nào thì con vẫn là con của mẹ".
Thành vui vẻ với việc huấn luyện yoga cho mọi người! (Studio Yoga nơi Thành đang làm việc)
Một câu nói đã mở ra cánh cửa hạnh phúc mới cho Thành trong suốt quãng đời còn lại. Từ đó, mọi áp lực, những lo âu hay bất cứ khó khăn trở ngại nào với Thành dường như đều đã được trút bỏ.
Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện vào thời điểm này, Thành đã nghẹn ngào, rưng rưng vì cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên dù đã trải qua hơn 10 năm.
Tuy nhiên, hiện tại cuộc sống của Thành khá thú vị. Thành rất hạnh phúc với công việc huấn luyện tại Trung tâm Yên Studio Yoga.
Huỳnh Minh Thảo - Nhà hoạt động Quyền LGBTIQ+
Không cần những đặc quyền lớn lao
Để họ tự tin, tôi cho rằng cộng đồng LGBTIQ+ thực chất không cần những đặc quyền gì khác biệt, lớn lao. Họ chỉ cần có được những quyền lợi cơ bản như bất kỳ ai khác như: quyền được kết hôn, quyền nhận con nuôi, thừa hưởng tài sản, quyền được chuyển đổi giới tính trên giấy tờ và hỗ trợ về mặt y tế khi có những nhu cầu cần thiết…
Trong các môi trường kể trên, cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến mảng giáo dục, vì hiện tại, giáo dục tại Việt Nam vẫn chưa chính thức cập nhật các thông tin mới về giới và tính dục vào chương trình giảng dạy.
Ngoài ra, nhận thức xã hội nói chung dù có thay đổi theo hướng tích cực hơn nhưng vẫn còn tồn tại nhiều định kiến ngầm về cộng đồng LGBTIQ+. Tôi hi vọng rằng, cùng với sự lan toả những thông tin chính xác như bài báo này, chúng ta sẽ có cái nhìn cởi mở và bình đẳng, tôn trọng hơn với bất kỳ sự khác biệt nào nói chung và cộng đồng LGBTIQ+ nói riêng.
Facebooker Hoàng Nguyên Vũ
Bình thường và bình đẳng: Nên nhìn từ hai phía
Câu chuyện đồng tính hay LGBTIQ+ không còn mới mẻ. Ở Việt Nam, những người đồng tính đã từng ngày sống một cách bình thường và bình đẳng với những người khác trong cùng một xã hội.
Nói như vậy, không có nghĩa là không tồn tại những thứ bất thường, mà những bất thường đó đến từ hai phía: xã hội và bản thân họ. Xã hội thì vẫn còn nhiều người đưa chuyện giới tính (vốn không còn khác biệt) của những người này ra cợt nhả, trêu ghẹo làm trò mua vui. Nó biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, thiếu văn hoá sống, thậm chí thiếu đạo đức, khi lấy việc làm tổn thương người khác ra để đùa cợt. Việc tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng riêng tư của người khác, thể hiện sự văn minh của chúng ta.
Một số người thì sợ sệt, sợ những người đồng tính đến gần con em họ sẽ "lây nhiễm", sẽ biến con họ thành những người "không bình thường". Thưa rằng, giới tính là bẩm sinh, là bình thường, và không thể là "bệnh" chứ chưa nói là "bệnh lây nhiễm". Không lẽ một người đàn ông chơi với một người phụ nữ thì người đàn ông đó "lây" và thành phụ nữ sao? Đó là một suy nghĩ kỳ quặc và gây ra mọi phức tạp trong ứng xử với người khác trong xã hội.
Xét ở phương diện những người đồng tính, không thể phủ nhận không ít người đồng tính cũng tạo điều kiện cho xã hội kỳ thị mình và những người giống mình. Tức là bản thân họ cũng không muốn sống một cuộc sống bình thường. Họ thường xuyên có những hành động làm lố về phong cách; uốn éo, lập dị, "đốp chát", chặt chém, thậm chí còn lấy làm vui sướng với điều đó.
Thực ra, người đồng tính cũng như bao người, vẫn phải đàng hoàng, lịch sự, vẫn phải lao động và khẳng định giá trị của mình trong cuộc sống. Có rất nhiều người đồng tính khiến xã hội kính nể về năng lực và trân quý về cách sống. Họ tôn trọng mọi người và mọi người tôn trọng họ. Đấy mới thực sự là bình đẳng, là bình thường trong một xã hội mà tất cả chúng ta có trách nhiệm phải làm cho nó văn minh hơn.
(Còn tiếp)