Năm 2017, các phụ nữ được đề cử theo bốn chủ đề: Rào cản vô hình (khiến phụ nữ không phát huy được khả năng như nam giới), thất học trong nữ giới, bị lạm dụng ở nơi công cộng và phân biệt nam nữ trong thể thao.
Trong 100 phụ nữ được vinh danh trên các trang web và chương trình của BBC năm nay có 26 người từ châu Á, trong đó 3 người từ Việt Nam là chị Huỳnh Thị Xậm, bà Trần Thị Kim Thia và cầu thủ bóng đá Tuyết Dung của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Bà Trần Thị Kim Thia, 59 tuổi, một phụ nữ bán vé số ở Đồng Tháp đã dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em trong lồng lưới trong nhiều năm qua.
Bà Thia trả lời phỏng vấn của BBC:"Tôi dạy bơi vì tôi yêu trẻ em và muốn cứu mạng các cháu."
Người thứ hai là chị Huỳnh Thị Xậm, 39 tuổi, dù bị khuyết tật từ khi mới sinh và tới năm 15 tuổi mới được đi học nhưng đã phấn đấu tốt nghiệp đại học và chuyên giúp đỡ những người khuyết tật khác tại một trung tâm dạy nghề ở TP Hồ Chí Minh.
Cô cho biết: "Khi gặp khó khăn và thất bại, tôi không bao giờ nản chí. Nếu tôi không làm được ngày hôm nay, tôi sẽ tiếp tục học ngày mai và sẽ có ngày tôi làm được việc đó. Nếu các bạn tiếp tục cố gắng, bạn sẽ đạt được mục tiêu."
Người cuối cùng là cầu thủ bóng đá nữ Nguyễn hị Tuyết Dung, 23 tuổi, được đề cử vì cô là nguồn cảm hứng cho nhiều em gái nữ muốn tham gia vào bóng đá nữ chuyên nghiệp nói riêng và thể thao nói chung. Những thành tích cô đạt được đã góp phần tăng uy tín và ủng hộ cho bóng đá nữ Việt Nam, làm giảm sự phân biệt nam nữ trong thể thao.
Tuyết Dung nói: "Chúng tôi phải nỗ lực nhiều gấp đôi vì phụ nữ luôn yếu hơn đàn ông. Đầu tư và tiền thưởng cho bóng đá nữ không thể nào so sánh được với bóng đá nam. Tôi hy vọng người hâm mộ sẽ đến phủ kín sân vận động để cổ vũ chúng tôi như những gì mà họ dành cho bóng đá nam".