Ảnh minh họa
Từ khi con bước vào tuổi dậy thì, chị thấy việc đánh, chửi mắng con không hiệu quả. Nhìn thái độ bất cần của con, chị giận sôi người mà không biết làm thế nào. Từ đó, chị đổi "chiến thuật".
Con gây ra lỗi lầm gì, chị không mắng chửi con nữa mà "lạnh băng" với con. Chị coi con như vô hình trong nhà. Chị không nói không rằng với con. Chị để mặc con muốn làm gì thì làm. Đến giờ ăn, chị và chồng ăn trước, mặc con ăn lúc nào thì ăn. Con hỏi gì chị cũng im lặng không nói. Chị để con một mình xoay xở mọi việc, tỏ thái độ buông xuôi và không quan tâm đến con. Chị cố tình làm cách này để con sợ mà không phạm lỗi nữa.
Với nhiều trẻ nhỏ, bố mẹ cũng áp dụng "bạo hành lạnh" bằng việc ngó lơ, xua đuổi con. Giận con, không ít bà mẹ thể hiện thái độ "không quen biết" với con ở ngoài đường. Con hỏi gì, con xin lỗi, mẹ cũng không nói gì. Nhìn đứa trẻ sợ hãi, chỉ biết cúi gằm mặt bước đi trông rất tội nghiệp.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, "bạo hành lạnh" là việc cha mẹ xua đuổi, cô lập con, cha mẹ thể hiện việc chán nản về con. Thậm chí, cha mẹ lôi kéo ông bà, anh chị em của con về phe mình để cô lập "đứa trẻ hư"...
Theo các chuyên gia tâm lý, "bạo hành lạnh" là kiểu bạo hành không để lại tổn thương trên da thịt nhưng hậu quả về tinh thần mà "bạo hành lạnh" gây ra nguy hiểm không kém. Theo bác sĩ y khoa, nhà tâm thần học người Pháp Marie- France Hirigoyan, "cha mẹ đánh vào điểm yếu của con cái nhằm che đi khuyết điểm lớn nhất của chính mình. Họ đã đè bẹp ý chí và tinh thần phê phán của trẻ, để đứa trẻ không thể phán xét hành động của mình".
Bác sĩ này cho biết, trừng phạt trẻ bằng "bạo hành lạnh" chỉ để đạt được sự vâng lời ngắn hạn. "Chiến thắng nhất thời của cha mẹ đổi lấy một đứa trẻ ngoan ngoãn tạm thời nhưng kèm theo đó là sự tuyệt vọng, oán giận của những tâm hồn non nớt. Hậu quả những đứa trẻ phải chịu đựng bạo hành lạnh trong thời thơ ấu là chúng sẽ sao chép lại đúng tinh thần đó khi ứng xử xã hội lúc trưởng thành".
Nói về "bạo hành lạnh" với trẻ, nhà văn Trung Quốc Trịnh Đức Phấn cho biết: Nhiều người có một "lỗ đen" trong thời thơ ấu của mình do thiếu tình yêu và sự quan tâm. Không được cha mẹ nhìn thấy hay phản hồi, vết thương lạnh này sẽ từ từ xâm nhập vào tủy xương.
Còn bác sĩ người Pháp Marie- France Hirigoyan kết luận, "bạo hành lạnh" cũng giống như một bức tường lạnh lẽo ngăn cách mối quan hệ cha mẹ và con cái. Họ giống như người xa lạ quen thuộc nhất.