Em là công nhân xí nghiệp may. Người yêu em là sinh viên, ở cùng dãy trọ của nhà tôi. Vì người yêu, em học lên cao đẳng để "xứng với ảnh". Thấy hai đứa quá thân mật, tôi nhắc em cẩn thận giữ mình. Em bẽn lẽn: "Tại ảnh năn nỉ quá, em không cho cũng tội, chớ ba má biết em xả cảng vầy, ổng bả giết".
Lời tiên đoán của tôi rốt cuộc thành sự thật: em dính bầu. Anh người yêu còn hoảng hơn cả em. Nói ba má dặn phải lo học hành, có tương lai sự nghiệp mới tính chuyện vợ con, cãi lời ổng bả sẽ cắt tiền nong. Em thì nước mắt ngắn dài.
Ngày nào tôi cũng nghe hai đứa cãi cọ, rồi khóc lóc. Cảnh chiều chiều đôi trẻ ríu rít nhặt rau, vo gạo, đóng giả vợ chồng son đã lùi xa.
Ảnh minh họa
Một bữa, người yêu em dọn đi mất. Tôi chạy sang thấy em nằm vùi, hai mắt sưng mọng. Em kể hai đứa cãi qua cãi lại, ảnh nói chắc gì cái bầu là của ảnh. Em uất quá, chỉ muốn chết cho rồi. Tôi cầm tay em, mới mấy ngày mà tay em gầy tọp, nổi hết gân xanh. Có gì tàn phá người ta mạnh cho bằng giữa cơn sóng dữ quanh mình chẳng có hy vọng gì để bấu víu.
Nhớ hồi tôi mang bầu đứa con đầu lòng, chồng sung sướng rơi nước mắt. Ông bà nội ngoại nâng niu, có món gì ngon cũng gửi cho. Trong cơn hành bầu mệt lịm, giữa vòng tay yêu thương còn chạnh lòng muốn khóc. Huống chi giờ em có một mình, lại không lối thoát, biết làm sao ngoi lên?
Má em lên thăm, kêu trời kêu đất. Bà không thể giúp gì cho con gái vì chính bản thân bà còn sợ ông chồng cay nghiệt, vợ con lầm lỡ là đòi chém đòi giết.
Một bữa, thấy em vắng nhà, thì ra em tìm về quê người yêu. Ảnh sợ ba má ảnh biết, thì đây, em cho biết luôn coi họ tính sao. Còn sao nữa chị, họ nói y thằng kia: "Chắc gì cái bầu này là của con tui". Ba má ảnh còn đổ thừa em dụ dỗ con trai họ lầm đường lạc lối, lơ đễnh học hành. Em nhất định phải sinh đứa bé ra, rồi thử ADN coi ai đúng ai sai, coi họ cứng họng thế nào.
Sinh một đứa trẻ là để yêu thương, để chào đón trẻ đến với cuộc đời này, đâu phải để trả thù, để chứng minh ai đó đúng hay sai.
Suốt mấy tháng mang bầu, em vẫn lầm lũi một mình. Mẹ em thỉnh thoảng lên thăm, giúi cho ít tiền. Bố đứa trẻ và nhà nội thì biệt dạng. Em rầu rĩ: "Chắc em mắc nợ đứa con này, nó chưa ra đời đã hành em chết lên chết xuống". Em sinh con trước ngày dự sinh cả tháng. Tôi chỉ kịp điện cho mẹ em rồi đưa em vào bệnh viện. Đứa bé trai khôi ngô, nặng gần bốn ký chẳng làm lay động ý thức làm cha của ông bố trẻ. Anh chàng nhìn đứa bé với vẻ tò mò, sau đó chẳng thèm quay lại.
Cả xóm trọ góp tiền mua sữa, áo sơ sinh, chăn nệm cho đứa bé. Em ngắm con, bần thần hỏi tôi: "Chị thấy nó giống thằng ôn dịch kia không chị?". Dường như ý định hơn thua em vẫn chưa từ bỏ.
Hơn chục triệu đồng dành dụm, em ném vào việc chứng minh đứa trẻ đích thực là con của anh chàng đã biệt dạng.
Cầm tờ xét nghiệm ADN, em hớn hở bế con về quê để "ba má thằng chả sáng mắt". Cuối ngày, thấy em lếch thếch quay về, dù đã biết trước kết cục này, tôi vẫn không khỏi xót xa. Điều em cần làm lúc này là quên đi những chuyện không vui để nuôi con, để đứa trẻ được yên ổn lớn lên. Chiến thắng người ta chẳng để làm gì, chiến thắng bản thân mới là quan trọng.