Tristan da Cunha là lãnh thổ hải ngoại của Anh, nằm trên một hòn đảo núi lửa đang hoạt động ở phía nam Đại Tây Dương, khoảng giữa Nam Phi và Nam Mỹ. Đảo cách khu vực đất liền gần nhất, thành phố Cape Town của Nam Phi hơn 2.700 km; là nơi có người ở xa xôi, hẻo lánh nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 60 chuyến tàu tới đây và thời gian di chuyển 6 ngày. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa bão, vì vậy rất ít thuyền cập bến. Ảnh: Wikipedia Commons.
Tristan da Cunha cùng 5 hòn đảo nhỏ hơn được phát hiện bởi nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha năm 1506. Tên của ông được đặt cho hòn đảo. Trong suốt thế kỷ 17, người Hà Lan và người Mỹ đã nỗ lực định cư trên hòn đảo nhưng không thành. Năm 1816, đảo chính thức được sáp nhập và trở thành nơi đóng quân của Anh. Khi quân đồn trú rút khỏi năm 1817, có 3 người chọn ở lại. Sau nhiều năm, hòn đảo có thêm cư dân là những thủy thủ đắm tàu, những người định cư từ Italy, Anh, Hà Lan. Ngoài ra còn có một số người Mỹ đến đây với mong muốn về một cuộc sống yên bình.
Hiện dân số trên đảo là 240 người. Cộng đồng dân cư sống tập trung ở ven biển phía bắc đảo. Cuộc sống của họ hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Mối lo ngại duy nhất là núi lửa, lần cuối phun trào từ năm 1961. Ảnh: HKM.
Tấm biển "Chào mừng tới hòn đảo hẻo lánh nhất thế giới". Ảnh: Maloff/Shutterstock.
Một ngôi nhà trên hòn đảo. Ảnh: Rob Tully.
Trên đảo có mạng Internet; cửa hàng tạp hóa; quán cà phê; bệnh viện trang bị máy X-quang, phòng mổ và cơ sở chăm sóc nha khoa. Những bệnh nhân cần điều trị chuyên sâu sẽ được đưa về Nam Phi hoặc Anh. Hàng hóa phục vụ cho hòn đảo cần được đặt trước khoảng một tháng và tàu sẽ chuyển tới đây. Ảnh: Ella Morton.
Chăn nuôi gia súc là công việc phổ biến nhất trên đảo. Một số loài động vật được nuôi để lấy thịt và sữa là bò, cừu, gà, ngỗng. Lông cừu được tận dụng làm len. Trên đảo có một nhà máy để sản xuất len, thực hiện các công đoạn chải, kéo sợi thủ công. Ảnh: Andy Isaacson.
Đất núi lửa không thích hợp để nhân giống, trồng các loại cây ăn quả. Vì vậy, khoai tây và đậu là sản phẩm thay thế. Sau mùa thu hoạch, ngoài làm thức ăn, người dân còn gửi tặng khoai tây tới đảo St Helena. Chỗ dư thừa làm thức ăn cho gia súc.
Khoai tây được trồng thành từng ô nhỏ trong các mảnh vườn. Với điều kiện đặc biệt, khoai tây ở đây không gặp các loại bệnh thường có ở đất liền. Ảnh: Tristan.
Với khí hậu ẩm ướt, ôn hòa và lượng mưa trung bình 15 - 17 ngày một tháng, hòn đảo là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật không có ở nơi nào khác trên thế giới, như hải cẩu voi và hải âu mũi vàng.
Một số loài chim biển sinh sống trên hòn đảo cũng là nguồn lấy thịt và trứng cho cư dân. Ảnh: Alexey German.
Tôm hùm là hàng xuất khẩu chính và đem lại thu nhập cho người dân trên đảo. Tôm hùm ở đây được đánh giá có hình dáng đẹp và ngon. Bên cạnh khai thác, người dân kết hợp bảo tồn để duy trì nghề nghiệp bền vững. Ảnh: Paul Rose.
Ở trên đảo không có các hoạt động du lịch chính thức. Tuy nhiên, nhiều người tìm đến để trải nghiệm cuộc sống hẻo lánh. Du khách có thể đi bộ dã ngoại, tham quan các loài động vật như chim cánh cụt ở những hòn đảo không người kế cận hoặc trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống người dân địa phương.
Để tới đảo, du khách cần đăng ký trên website địa phương. Không có khách sạn trên đảo, du khách ở nhà tự phục vụ hoặc nhà dân. Bảng Anh là tiền tệ duy nhất lưu hành tại đây. Ảnh: Grant Tiffen/Shutterstock.