Lúc ba tôi đi xem bói để chọn ngày lành tháng tốt, thầy bói phán một câu xanh rờn: "Hai đứa này một tuổi dê, một tuổi heo nên khắc khẩu".
Lúc đó, đang hăng cưới, tôi cứ nói cho xong chuyện: "Chắc chắn tụi con vượt qua được". Và rồi, khi về chung sống dưới một mái nhà, cái sự khắc khẩu đó mới dần lộ ra. Lắm phen vợ chồng nhìn nhau cười, nhưng cũng rất nhiều lần xảy ra chiến tranh nóng, lạnh.
Ví dụ một chuyện nhỏ nhặt thường ngày như bữa cơm chiều. Chồng tôi vì có thời gian tu tập, nên các món sở trường của anh ấy toàn tương chao, đậu hũ. Trong khi đó, tôi người miền Trung, ăn mắm, ăn mặn là thói quen thường ngày.
Thời gian đầu, vợ chồng hay "choảng" nhau về cái khoản nên chấm rau muống xào với nước mắm hay nước tương. Riết rồi, mỗi người mỗi chén. Chén vợ là nước mắm mặn dằm trái ớt, chén chồng là nước tương pha chút đường tỏi. Vậy chớ sau này, chén nước tương dần biến mất, thay vào đó là chén nước mắm ớt thiệt cay. Có lẽ ổng đã bị tôi "đồng hóa" cái khoản này.
Chồng tôi vốn tính hiền lành, nhẹ nhàng kiểu người Sài Gòn nên ăn nói nhỏ nhẹ như con gái. Trong khi đó, tôi tính khí như đàn ông, ăn to nói lớn, việc gì cũng nói thẳng nói thừng, lắm khi người đối diện chưa quen cứ tưởng mình dữ dằn lắm.
Rồi ông xã là chuyên gia lòng vòng khi trình bày một câu chuyện, một vấn đề gì đó. Có thể là vì cái tính hiền lành, hay sợ mích lòng người khác. Còn tôi thì chuyện A nói thẳng là A, đôi khi nói "toạc móng heo" nên hàng xóm hay nói "hai vợ chồng nhà này khắc khẩu, ông chồng thì nhỏ nhẹ hiền lành mà gặp bà vợ oang oang, trực tính".
Chồng hiền lành còn tôi ăn to nói lớn như đàn ông... - Ảnh minh họa
Vậy đấy, cái sự khắc khẩu của vợ chồng tôi đôi khi hài hước, nhưng đôi khi bực mình dẫn đến cãi vã, giận hờn. Giờ thì ổn rồi, sau thời gian rèn luyện, dung hòa, vợ chồng tôi cũng dần tìm được tiếng nói chung. Chồng mạnh mẽ, dứt khoát hơn trong khi vợ mềm dẻo, nhẹ nhàng hơn trước.
Nói vậy chứ cái sự khắc khẩu đó làm sao biến mất hết cho được. Thỉnh thoảng cái sự khắc khẩu vợ chồng của tôi lại trỗi lên rồi cả hai phải cố nhìn nhau, nhìn con mà kiềm chế. Ví dụ như sáng nay, lúc chồng chở tôi vào quán ăn sáng. Quán khá đông, nhiều bàn nhưng bàn nào cũng có người. Hai vợ chồng đành ngồi cái bàn mà người trước vừa đi chủ quán chưa kịp dọn dẹp. Chồng ngồi vào, với liền mấy miếng giấy bắt đầu lau lau chùi chùi trong khi vợ yêu cầu chủ quán lấy giẻ ra lau bàn giùm. Chuyện có vậy mà cũng thành cãi vã.
Chồng bảo phụ người ta dọn cho nhanh để còn ăn mà đi làm. Vợ bảo: "Ô hay, sao ra đường siêng thế, tự giác làm thế? Ở nhà thấy cái phòng dơ hay cái bàn bẩn có bao giờ anh tự động lấy chổi quét, hay lấy giẻ lau đâu...". Cuối cùng chồng cũng phải nhún nhường: "Thôi được rồi, ăn đi, để mốt ở nhà anh lau, anh quét, anh dọn, được chưa?".
Nhiều lúc điểm lại, tôi thấy mình cũng… sọc dưa. Người ta đang nói chuyện phụ người phục vụ, mình lại tấn công vào tính lười của chồng. Bao lần "khắc khẩu" cũng vì ông nói gà, bà nói vịt, kiểu gì cũng ăn thua đủ với nhau được. Đôi lúc tự xuề xòa đổ thừa cho… ông thầy bói với hai từ "khắc khẩu". Nhưng kỳ thực là do mình. Muốn vui vẻ thuận hòa chỉ cần kiềm chế một chút, như lão chồng tôi. Nếu lão không cơm sôi bớt lửa, chắc chuyện "khắc khẩu" của hai đứa đã làm ra bao cuộc tan tành rồi.