Đất trời miền Trung đầu năm vẫn hiếm ngày nắng. Phải chi giờ này tôi vẫn ở quê, cùng mẹ và các em loay hoay, lục cục trong căn bếp nhỏ, kẻ bóc vỏ đậu phộng, người băm sả. Bận bịu, rổn rảng, nói nói cười cười.
Còn nhớ những ngày mùa đông, chị em tôi luôn cùng mẹ chuẩn bị mấy món đồ khô cho gia đình, trong đó không thể thiếu món muối ruốc sả.
Muối sả là món rất hao cơm (ảnh minh họa)
So với món muối đậu phộng thông thường, muối ruốc sả không những cầu kỳ hơn về nguyên liệu mà khâu chế biến cũng lắm công đoạn. Mẹ vẫn thường bảo, mặc dù không phải cao lương mỹ vị gì, chỉ là một món muối bình dân, nhưng để giữ được lâu và thơm ngon chuẩn vị thì người chế biến cũng cần nằm lòng vài bí kíp.
Thường, mẹ sẽ đặt chỗ hàng quen một vài lạng thịt vai, hoặc thịt đùi heo thật tươi ngon. Ruốc biển cũng là loại ruốc mùa mới, không lẫn tạp chất. Các nguyên liệu còn lại như đậu phộng, mè, ớt, sả thì đã có sẵn trong nhà.
Trong gian bếp nhỏ còn trống một bên vách, ba chị em tôi được mẹ chia phần đầy đủ, đứa lớn thau đậu phộng lớn đứa nhỏ thau đậu phộng nhỏ, chỉ có thằng Út là được ưu tiên, nghiễm nhiên kê đòn ngồi cạnh chờ ăn ké những hạt đậu phộng lép.
Trong lúc đám nhỏ vừa bóc đậu phộng vừa chí chóe thi thố thì ngay bên cạnh, mẹ tôi bắt đầu soạn đồ nghề ra xắt thịt.
Miếng thịt tươi sau khi được rửa sạch, mẹ dùng dao xắt ra, băm nhỏ và ướp đủ gia vị như muối, bột ngọt, tiêu, ớt, đường cho thấm. Mẹ bảo khi ướp thịt nếu để càng lâu thì càng thấm nhưng với món muối sả tuyệt đối không nên ướp nước mắm, vì khi rang thịt sẽ khó khô.
Sau một hồi, mẹ lần lượt nghiệm thu thành phẩm của chúng tôi, không quên khen vài câu động viên rồi nhanh tay trút mớ đậu phộng lên chảo nóng, đảo đều tay. Khi đậu nứt áo lụa, dậy mùi thơm, mẹ bưng xuống đổ vào một tờ giấy báo chờ nguội, rồi giã giập.
Tiếp theo là khâu làm sả. Những cọng sả to lần lượt được tước bớt vỏ cho trắng nõn. Mẹ xắt lát, băm nhỏ rồi cho vào chảo đảo đều với một ít dầu ăn, đảo tiếp tới khi chín tái.
Khi các nguyên liệu lần lượt được sơ chế xong, mẹ bắt đầu vào công đoạn chính. Trước tiên, mẹ trút thịt đã ướp vào chiếc chảo to, đảo đều ở chế độ lửa vừa. Khi thịt hơi săn lại, mẹ cho tiếp ruốc, sả, đậu phộng và mè vào, hạ lửa nhỏ và rang tiếp đến khi hỗn hợp từ màu vàng nhạt chuyển sang màu vàng nâu thì tắt bếp.
Trong những ngày mưa lạnh, chẳng có gì ấm áp hơn thú vui nấu nướng và tụ tập bên những người thân yêu.
Hôm nào mẹ gác lại chuyện ruộng nương để chuyên tâm vào bếp thì lũ trẻ ham chơi như chị em tôi cũng không còn muốn chạy đâu xa, cứ chực chờ luẩn quẩn theo chân mẹ để được sai vặt.
Mẹ tinh ý thưởng cho mỗi đứa một muỗng nhỏ muối sả mới ra lò. Tôi từ từ tận hưởng vị ngọt dai của thịt, vị đậm đà của ruốc biển, vị ngậy béo giòn thơm của đậu phộng và mè, rồi hít hà thêm mùi thơm cay đến ấm người của tiêu, sả.
Bữa tối hôm ấy hao cơm phải biết!
Để đếm bước thời gian, người lãng mạn sẽ nhìn sắc hoa tươi, ngắm màu cây lá, còn tôi, một con bé nhà quê lớn lên trong gia đình nông thôn đông anh em thì lại có cách neo giữ kỷ niệm bằng hương mắm muối trong căn bếp nhỏ.
Và như một chất xúc tác mầu nhiệm, chỉ một làn hương đậm vị ruốc sả phảng phất đâu đó chiều nay bên hàng xóm, cũng đủ phả ra bao nhiêu ký ức, khiến tôi rưng rưng nhớ mẹ, nhớ em…