Đã thành thói quen, tết nào anh Tư Dân cũng lê lết đủ ba ngày ngoài ngã tư Vườn Điều (thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm, H.Phù Cát, tỉnh Bình Định) say mê ăn thua với mấy nhóm "bầu cua".
Thông thường sau ba ngày chơi, anh khoe kiếm được 1 - 2 triệu đồng. Có năm anh thua, mặt mũi ỉu xìu cả tháng, dù thua cũng chỉ vài trăm ngàn đồng, không nhằm nhò gì. Chị Tư rất bực bội với trò đỏ đen của chồng, nhưng ngọt nhạt cấm cản hay cằn nhằn cỡ nào cũng vô ích. Biết ngày tết vợ kiêng không gây lộn, sợ gây cả năm, nên anh Dân càng tranh thủ "bắt cua, bắt cá".
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Chồng chị thật ra cũng không phải dân chơi bài bạc đỏ đen chuyên nghiệp. Cả năm, anh siêng năng lao động vất vả, chăn nuôi, làm vườn nhà mình xong thì sang nhà khác làm mướn. Vất vả là thế nên mấy ngày tết anh có suy nghĩ "xả láng chút", "chơi là phụ, ngồi chém gió với anh em là chính".
Tuy nhiên năm nay chị Tư ra tuyên bố cấm hẳn vụ "bầu cua tôm cá", với lý do dịch COVID-19 đang lây lan trên địa bàn. Thêm một lý do nữa, thằng con trai 14 tuổi cũng tập tành thả tiền cua cá theo ba. Cậu bé đang tuổi lớn, dễ sa đà vào chuyện hơn thua, nếu hỏng luôn thì khổ. Tết năm ngoái, con chơi hết mấy trăm ngàn đồng tiền lì xì, về nhà khóc như mưa như gió.
Tết năm nay bị vợ cấm không được lai vãng món tôm-cua-cá, anh Tư nằm tưởng tượng ra quang cảnh tấp nập của dân đỏ đen, tụ tập gần chục chiếu bầu cua khắp vườn điều. Con bạc bỏ ăn, bỏ ngủ, chỉ uống nước ngọt, đói quá thì gặm mì tôm sống hoặc cạp bánh tét nguyên cây. Thực tế, sau này anh được bạn bè kể mới biết, ngoài các chiếu bạc đó ồn ào cự cãi như vỡ chợ, có đám xém đánh nhau vì thua bạc, vì tố nhau chơi xấu.
Ngày rằm tháng Giêng, anh cũng nghe tin dân đỏ đen mở cuộc chơi lớn, anh Tư lén giắt bọc hơn bốn triệu đồng, lẳng lặng dắt xe đi. Ra tới cổng, anh gặp ngay bà vợ. Mặt lạnh tanh, chị chỉ tay vào nhà: "Hết dịch rồi ông muốn đi đâu mặc xác ông!".
Anh Tư hét lên: "Tôi có còn là chủ cái nhà này nữa không?". Chị Tư cũng nóng mặt: "Giờ ông chủ nhà muốn đi lượm vi-rút bệnh về cho má con tôi phải hông? Vậy đi luôn đi!".
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Chị Tư ngồi ngoài vườn canh nồi cám heo, liếc mắt thấy chồng lủi thủi dẫn xe vào nhà thì yên tâm. Chị nói to cốt cho chồng nghe: "Thực hiện nghiêm 5K, giữ gìn cho cả nhà. Chứ ông ra ngoài đó "dính COVID", thì cả nhà dính chấu. Xui xẻo mà bị xách đi cách ly tập trung, thì heo gà, bò nghé bỏ cho ai?".
Chị ngoắc cậu con đang lảng vảng trước sân: "Nè! Bánh tét mẹ chiên để trên bếp, con lấy ra đĩa mời ba ăn đi". Cậu bé nhe răng cười: "Ba đi chơi rồi mà mẹ". Chị Tư giật mình, hốt hoảng nghĩ tới cảnh ông chồng lẻn cửa sau, lội ngang cánh đồng trốn vợ đi chơi. Chị nhắc thằng con trông nồi cám, rồi lấy xe máy ra, chạy đón đầu bên kia cánh đồng. Xe vừa tới thì chị thấy ông chồng lui cui đi bộ, miệng phì phèo điếu thuốc lá.
Chị cười: "Ba thằng An ngon hén. Tính đi bằng được phải không? Vậy tui đi trước nhen, tui đi luôn cho ông coi. Lát ông về, lo cơm nước cho hai thằng nhỏ, xong cho gà ăn, rồi tắm heo nhe!". Chị vừa quay xe về hướng chợ nổ máy thì anh Tư la bai bải: "Chờ tui! Chờ tui về với!".
Mấy bữa nay, cả thôn xao xác vì tin có F0 trong đám bầu cua ngày rằm. Cơ quan y tế xã thông báo cho những người có mặt bữa đó tới trạm y tế để test nhanh. Chị Tư đi chợ về, vội vã báo cho chồng hay, trong thôn có 18 người đi test thì 15 người nhiễm COVID-19. May bữa đó chị cản được chồng, chứ không chưa biết chuyện gì xảy ra. Anh Tư mặt tái dại: "Hú hồn! May mà có vợ!".
Chị Tư chưa kịp cảm động, anh Dân hứa luôn: "Tết sang năm, hết dịch tui cũng không ham bầu cua nữa. Con nó lớn rồi, mình không làm gương, sao dạy nổi nó". Chị Tư vui mừng: "Hoan hô ông xã, ông nói lại, để tui bật điện thoại ghi âm nào!".