Ảnh minh họa
Người phụ nữ ấy thừa nhận mình là một người khá trầm tính và có phần nhút nhát nên không có nhiều bạn bè. Đôi khi, có những chuyện cô muốn chia sẻ cùng ai đó, thay vì lặng lẽ ôm lấy một mình. Phải lấy can đảm mãi, cô mới quyết định viết thư cho Thanh Tâm.
Cô kể, cách đây ít lâu, tình cờ cô gặp lại một người bạn học thời cấp 3. Người bạn đó kết hôn đầu năm ngoái, trông cô ấy rất xinh đẹp và hạnh phúc. Khi lắng nghe cô bạn kể về chồng mình đầy yêu thương, cô chợt nhớ đến những năm đầu hôn nhân của mình cũng đáng yêu, hạnh phúc vô cùng. Vậy mà sau gần chục năm, màu sắc của cuộc hôn nhân lại thay đổi nhiều đến thế. Cô cứ thắc mắc, có nhiều gia đình rơi vào tình trạng như vậy không, hay chỉ cô gặp phải cảnh ấy?
Cảm nhận về hôn nhân của cô đã thay đổi khi bước sang năm thứ 8. Những màu sắc tươi sáng không còn rõ nét. Cuộc sống của vợ chồng cô từng đầy "màu hồng", dù lúc đó còn nhiều khó khăn, khi cả 2 xây dựng gia đình từ đôi bàn tay trắng. Hai người thuê căn hộ nhỏ chưa đầy 40 mét vuông ở ngoại thành Hà Nội. Công việc khi đó của cô cũng chưa ổn định, làm vất vả mà thu nhập chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng. Chồng cô đi làm xa hơn, thu nhập tuy cao hơn nhưng nhìn chung cũng chỉ đủ các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy vậy, cả hai đều cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Cô nhớ, lúc đó mình rất thích được nắm tay chồng đi dạo xung quanh chỗ trọ, cảm giác thật bình yên.
Các năm tiếp theo, họ có con và cố gắng hơn cho công việc, cho tương lai. Vì cả hai đều hiểu, họ không thể để con thiếu thốn. Có lẽ, chính gánh nặng cơm áo gạo tiền, các hoài bão, mong muốn, những so sánh và giả tưởng về một tương lai rực rỡ đã giết chết dần thứ tình cảm ấm áp ban đầu của vợ chồng cô. Tình cảm của hai vợ chồng chuyển sang gam màu của "sự im lặng".
Trước đây, họ nói chuyện, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống, nhưng giờ, sau những ngày tháng cố gắng, kết quả không đạt được như mong đợi, một thứ cảm giác giống như bị "vỡ mộng". Đôi khi, cô muốn khóc 1 trận mà không có lý do gì để khóc, muốn cãi nhau để giải tỏa cảm xúc nhưng lại chẳng có lý do gì để tranh luận. Nó giống như trạng thái bất lực của "thất bại".
Và cô mong Thanh Tâm chỉ cho cô cách để làm mới hôn nhân, để vợ chồng cô lấy lại được màu sắc ban đầu của hôn nhân. Hiện tại, ngoài chủ đề chung là hôm nay ăn gì, con ra sao, nhà nội có mấy đám cưới, nhà ngoại có mấy đám giỗ... họ hầu như không còn chuyện gì khác để chia sẻ với nhau. Im lặng trước những khó khăn của nhau, im lặng ngay cả khi biết đối phương đang vất vả, im lặng ngay cả khi bản thân không muốn vậy...
Cô tự bảo Thanh Tâm đừng hỏi cô tại sao muốn nói mà lại im lặng? Bởi vợ chồng cô đều nhận ra, im lặng là cách duy nhất để không phải tranh luận, tức tối, hay mệt mỏi vì đổ lỗi cho sự thất bại của nhau. Thậm chí, đôi khi họ còn muốn đối phương biến mất, không phải nhìn thấy nhau nữa.
Thanh Tâm nhận thấy, bước sang năm thứ 8 của hôn nhân, họ đã cùng nhau đi một chặng đường không ngắn, đủ để hiểu tất cả về nhau. Họ đều nhận ra những điểm tốt và xấu của đối phương. Và họ tranh luận, lý do đơn giản vì cả 2 đều kì vọng về bản thân và về nhau quá nhiều. Để sau 8 năm bên nhau, cứ ngỡ sẽ đạt được nhiều thành tựu thì kết quả lại không được như mong muốn. Từ đó cả 2 im lặng, vì khi cất lời, cả 2 sẽ dễ đổ lỗi cho đối phương.
Im lặng đã trở thành một thói quen từ lâu. Để đổi màu cho hôn nhân của họ, việc đầu tiên Thanh Tâm nghĩ, đó chính là cả 2 phải học cách chấp nhận hiện thực, chấp nhận những mặt xấu của nhau, để cùng khuyến khích nhau thay đổi theo hướng tích cực.
Thanh Tâm khuyên cô hãy bắt đầu câu chuyện bằng niềm vui và sự chân thành. Khi cảm thấy ức chế, hãy dừng lại và chuyển chủ đề hoặc làm việc khác, làm việc đó mỗi ngày cho đến khi tạo thành thói quen. Thanh Tâm tin rằng, cô sẽ dần tìm thấy người chồng biết lắng nghe, biết chia sẻ trước đây của mình. Và chính cô, cũng sẽ thấy những điều giản dị ở chồng là đáng quý, đáng trân trọng. Họ sẽ nhận ra, cuộc sống dù khó khăn, công việc dù không như mong muốn, kinh tế gia đình chưa mấy thay đổi nhưng vợ chồng, con cái luôn quan tâm, yêu thương nhau để thấy không mong gì hơn thế.