Quyết định do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Vinh ký, công bố ngày 24/8. Ngoài ra, có thêm hai điểm du lịch cấp tỉnh khác vừa được công nhận đợt này là Edufarm Tượng Sơn, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Minh Gia, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích ngã ba Đồng Lộc cho biết, đây là cơ sở để sau này ngã ba Đồng Lộc phấn đấu trở thành điểm du lịch cấp quốc gia. Theo ông Ước, lâu nay đa số người dân đều nghĩ Đồng Lộc đã là điểm du lịch cấp tỉnh rồi, tuy nhiên thực tế để đạt được rất khó, phải đáp ứng đủ các tiêu chí như đạt lượng khách nhất định, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
"Để điểm du lịch phát triển cần đầu tư thêm các cơ sở dịch vụ ăn uống, mở rộng các quầy hàng lưu niệm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Việc mở cơ sở lưu trú là mục tiêu hướng đến, song rất khó, phải cần có sự đầu tư của doanh nghiệp", ông nói.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2. Trong chiến tranh, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện cho miền Nam.
Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, vùng đất này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá cày đi xới lại.
Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả hy sinh.
Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989. Ngoài phần mộ 10 nữ thanh niên xung phong, tỉnh đã đầu tư xây mới nhiều công trình khang trang như sa bàn chiến đấu, tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng đài, nhà bảo tàng để phục vụ du khách. Mỗi năm nơi đây đón hơn 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, dâng hương.