Truyền thuyết kể rằng khi lần đầu tiên đến thăm Marc Antony ở Tarsus, bà đã phủ lên những cánh buồm màu tím trên chiếc thuyền vàng của bà bằng một mùi thơm nồng nàn thoang thoảng bay khắp bờ. Như Shakespeare đã viết, "những cánh buồm của Cleopatra tỏa hương thơm đến nỗi những cơn gió cũng tương tư".
Nghe có vẻ hơi phóng đại, nhưng thành thật mà nói, ai lại không muốn nắm giữ làn hương của một nữ hoàng nổi tiếng nhất Ai Cập?
Một nhóm bốn nhà nghiên cứu đã tái tạo một loại nước hoa mà họ tin rằng có thể Cleopatra đã sử dụng, dựa trên dư lượng được tìm thấy trong một bình cổ đại.
Ngày nay, một nhóm bốn nhà nghiên cứu đã tái tạo một loại nước hoa mà họ tin rằng có thể Cleopatra đã sử dụng, dựa trên dư lượng được tìm thấy trong một bình cổ đại. "Đây là mùi nước hoa Chanel số 5 của Ai Cập cổ đại – loại nước hoa được đánh giá cao nhất của thế giới cổ đại", theo ông Robert Littman, một nhà khảo cổ học tại Đại học Hawaii ở Mânoa.
Littman và đồng nghiệp Jay Silverstein đã nảy ra ý tưởng này trong cuộc khai quật của họ về thành phố Ai Cập cổ đại Thmuis, nằm ở phía Bắc Cairo ở đồng bằng sông Nile và được thành lập vào khoảng năm 4.500 trước Công nguyên.
Khu vực này là quê hương của hai trong số những loại nước hoa nổi tiếng nhất trong thế giới cổ đại: Mendesian và Metopian. Vì vậy, khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra một nhà máy sản xuất nước hoa cổ xưa – một địa điểm có từ 300 năm TCN chứa đầy những lọ nước hoa thủy tinh nhỏ và những bình cổ đất sét nhập khẩu, họ biết rằng họ phải cố gắng phục chế lại bất kỳ mùi hương nào còn sót lại.
Các bình cổ không có bất kỳ mùi đáng chú ý nào, nhưng chúng có chứa một loại bùn đặc. Sau khi tiến hành phân tích dư lượng, Littman đã mang loại bùn này đến hai chuyên gia về nước hoa Ai Cập cổ đại; Dora Goldsmith và Sean Coughlin, cố tái tạo mùi hương Thmuis bằng các công thức được tìm thấy trong các văn bản dược liệu Hy Lạp cổ đại.
Cả hai loại nước hoa Mendesian và Metopian đều chứa nhựa cây mật nhi lạp, một chất nhựa thơm tự nhiên được chiết xuất từ cây có gai. Các chuyên gia cũng bổ sung quả bạch đậu khẩu, dầu ô liu xanh và một ít quế, tất cả theo công thức cổ xưa. Mùi hương được tái tạo có mùi cay nồng nàn, thoang thoảng mùi xạ hương.
Littman nói: "Tôi thấy mùi hương này rất dễ chịu, mặc dù nó có thể lưu hương lâu hơn một chút so với nước hoa hiện đại".
Ở Ai Cập cổ đại, người ta đã sử dụng nước hoa trong các nghi lễ và xịt mùi hương lên những chiếc nón hình chóp. "Nước hoa cổ xưa đặc hơn nhiều so với những gì chúng ta sử dụng bây giờ, gần giống như dầu ô liu cô đặc".
Mặc dù nước hoa Mendesian thời nay cũng hấp dẫn tương tự như loại nước hoa Ai Cập cổ đại, nhưng vẫn chưa rõ là liệu Cleopatra có sử dụng nó hay không. Mandy Aftel – một chuyên gia nước hoa tự nhiên, điều hành một bảo tàng về các mùi hương kỳ lạ ở Berkeley, California – cho biết: "Họ đang cố gắng tạo lại nước hoa của bà ấy, nhưng theo tôi thì không ai biết chắc rằng bà ấy đã sử dụng thứ gì".
Aftel không xa lạ gì với các mùi hương được pha chế của Ai Cập cổ đại. Năm 2005, bà tái tạo mùi hương chôn cất của một đứa trẻ Ai Cập ướp xác 2.000 năm tuổi, một bé gái được mệnh danh là Sherit. Nhờ ướp xác, nước hoa đã cô lại thành một lớp nhựa đen dày quanh mặt và cổ Sherit, theo thông cáo báo chí của Stanford.
Aftel xác định nhũ hương và nhựa cây mật nhi lạp là thành phần chính trong nước hoa và tái tạo lại một bản sao. "Tôi đã ngửi thấy mùi xác ướp. Với tư cách là một chuyên gia nước hoa tự nhiên, đây là một cách rất hay để kết nối với quá khứ", bà nói.