Các chuyên gia cũng cung cấp thêm nhiều thông tin về những tiến bộ và các phương pháp, kỹ thuật tầm soát ung thư vú mới nhất và cách ngăn chặn căn bệnh ung thư phổ biến nhất thế giới này.
Các chuyên gia cho biết, ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, song điều đáng tiếc là gần 70% bệnh nhân hiện nay phát hiện ở giai đoạn muộn làm giảm hiệu quả điều trị, tăng thêm gánh nặng tài chính và trả giá bằng 9.345 sinh mạng trong năm qua**.
“Tầm soát ung thư vú trọn vẹn: Yêu bản thân, đừng trì hoãn”
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Cảnh Duy - Phó Trưởng khoa Xạ trị, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: "Có đến 80% bệnh nhân ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu phát hiện từ giai đoạn sớm. Phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, giúp tăng tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 99%”. Chứng kiến nhiều bệnh nhân mất đi cơ hội sống, chúng tôi thường khuyên phụ nữ nên đi tầm soát sức khỏe, đặc biệt là ung thư vú định kỳ".
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ có kinh sớm trước 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn sau 50 tuổi, người không cho con bú, người sử dụng liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc tránh thai nội tiết, người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú mang gen di truyền… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú. "Riêng phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư vú gấp 7-10 lần trong suốt cuộc đời", Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nhấn mạnh.
Bác sĩ Chương cũng dẫn quyết định 1639/BYT vừa ban hành tháng 3-2021 của Bộ Y tế, khuyến nghị 7 cách phát hiện sớm ung thư vú: nữ giới tự khám tại nhà, sau đó đến bác sĩ khám lâm sàng, chụp X-quang nhũ ảnh, siêu âm tuyến vú, chọc sinh thiết tế bào, xét nghiệm marker ung thư vú và xét nghiệm gen BRCA1 và BRCA2 tầm soát sớm nguy cơ cao mắc ung thư vú di truyền.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Đồng sáng lập và Phó Tổng giám đốc Gene Solutions cho biết: "Xét nghiệm gen có thể phát hiện đột biến trên 7 gen gây ung thư vú di truyền, bao gồm cả gen BRCA1 và BRCA2, tiết lộ nguy cơ mắc ung thư vú di truyền cao hay thấp của nữ giới. Điều này giúp họ tối ưu việc tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa chủ động, giảm khả năng phát triển bệnh, tăng tỷ lệ sống sau 5 năm đến 99% khi điều trị ở giai đoạn sớm - so với chỉ 27% ở người phát hiện muộn".
"Tầm soát ung thư vú trọn vẹn: Yêu bản thân, đừng trì hoãn" được tổ chức để hưởng ứng tháng "Nơ hồng" - tháng Thế giới hành động phòng chống ung thư vú. Thông qua chương trình, các chuyên gia mong muốn phụ nữ có thể yêu thương bản thân nhiều hơn, chú ý bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức về việc tầm soát ung thư vú sớm và đúng cách, đừng trì hoãn chỉ vì tâm lý chủ quan và e ngại thăm khám vùng ngực.