Tiệm phở Lú ở California
Khi đến Long Beach (Los Angeles, California, Mỹ), tôi có dịp thưởng thức một số món ăn Việt, Mỹ, Mexico, Nhật Bản… Nhiều người cho rằng, cũng nên một lần "chạm" hương vị hamburger của In-N-Out Burger (được Fast Food Nation khen ngợi là một trong rất ít chuỗi nhà hàng dùng nguyên liệu tự nhiên, tươi và sạch sẽ, nhất là việc đối xử tử tế với nhân viên nên tạo ra dịch vụ tốt), hoặc đón nhận sự tinh túy của một trong những món ăn đặc sắc nhất của Mexico như Tacos (loại bánh kẹp thịt với vỏ bánh (cứng hoặc mềm) làm từ bột ngô, nhân bánh được làm từ thịt (bò hoặc heo, gà, cá nấu chín). Bánh ăn kèm với sốt salsa, hành tây, rau mùi).
Tuy nhiên, tôi vẫn thích thú với việc buổi tối nhìn làn khói bay lên từ tô phở đậm chất Việt.
Ngay tại Los Angeles có nhiều quán phở với việc đặt tên bằng cách chơi chữ như Simply phở you; pho_nomenon (từ "phenomenon = hiện tượng" gần Long Beach), Pho’ever (từ "forever = mãi mãi")… và trên trang tripadvisor có chọn ra 30 quán phở ngon nhất, như pho 999 Restaurant, Saigon Eden, Au Lac DHa, Le Saigon, It’s Pho, Pho Hoa Vietnamese Restaurant…
Tọa lạc đường Garden Grove, có một quán phở, mà cái tên gợi cho "thượng đế" sự tò mò, hiếu kỳ - phở "Lú", để rồi bước chân tự nhiên như được dẫn lối, đưa đường đi vào quán. Với tên gọi này, thực khách tự tưởng tượng rồi hình dung ra một câu chuyện thú vị cho mình và người thân, bạn bè - một câu chuyện có liên quan đậm màu sắc truyền thuyết về cầu Nại Hà.
Quán phục vụ phở trong hai tô: một tô chứa phở và tô còn lại chứa thịt. Nước dùng, có khác nhau trong mỗi tô: một tô nước dùng trong và một tô nước dùng sẫm màu hơn với nhiều thịt bò.
Tại quán có món phở đuôi bò, không kém phần đặc sắc như ở Việt Nam. Tùy theo sức, bạn sẽ gọi cho mình tô phở với các kích cỡ lớn, vừa và nhỏ. Những người Việt trên đất Mỹ thường gọi tô lớn là tô "xe lửa". Du khách Việt dùng tô phở nhỏ là đúng nhất.
Tô phở tái fillet bò viên ở tiệm phở Lú
Tôi gọi tô phở tái, bò viên loại nhỏ. Thịt bò tái mềm, còn bò viên thì có độ dai, cộng với mùi ngò gai, hành lá, những cọng giá căng tròn đẫm nước, vị chua thanh của chanh tươi… Trong khí trời lành lạnh; độ ngon của tô phở như được tăng thêm.
Thực khách có Tây, có ta, dĩ nhiên ta đông hơn Tây, nhưng có điểm chung là đều dùng đũa! Điểm cộng của quán đó là những người phục vụ quán đều rất niềm nở, thái độ thân thiết; bà chủ quán thường đến từng bàn để hỏi thăm thực khách, chất lượng tô phở thế nào, có góp ý gì không để gia giảm hương vị cho phù hợp, và tất nhiên rất vui khi khách lại đến quán lần nữa và lần nữa…
Tuy nhiên có điểm trừ: trên đất Mỹ, nên cũng như hầu hết các quán phở Việt là dùng bánh phở khô cho dễ vận chuyển, bảo quản và nhất là trong khâu chế biến không phải tốn nhiều công sức, nên cũng làm giảm đi cảm giác "tươi" của bánh phở, làm vị giác của ta thấy thiếu thiếu cái gì đó của món phở quê nhà.
Song, khi bước ra khỏi quán, tôi mới thấy có sự tương đồng giữa tên gọi phở "Lú" và truyền thuyết về cầu Nại Hà. Đó là khi qua cầu Nại Hà để tái sinh, mọi người đều phải ăn chén cháo lú, nhằm quên đi kiếp trước. Đúng là khi ăn món phở Lú, tôi cũng quên hết những muộn phiền mệt mỏi, những căng thẳng, lo toan trong cuộc sống. Không nhớ gì hết, ngoại trừ một điều: trên đất khách quê người mà ăn phở còn mang hương vị Việt quả là tuyệt vời!