Một bậc lão làng trong nghiên cứu những thú vui cổ ngoạn của Nam Bộ - cố học giả Vương Hồng Sển - còn viết cả hai cuốn sách là “Thú chơi sách”, “Cuốn sách và tôi - Thú phong lưu sót lại” để chia sẻ niềm đam mê cháy bỏng của mình với sách. Bằng cách thể hiện tình cảm một cách cực đoan với “người đẹp trong sách”, ông cho rằng “… cuốn sách là một bạn tốt, tốt hơn vợ và bạn trai nhiều”. Và vì quý sách hơn vợ nên sẵn sàng chịu sự giận hờn của bè bạn dù rằng đó là bạn thân thiết chứ khăng khăng không thể cho mượn sách được, bởi như ông đã dí dỏm tự trào “... không ai cho mượn vợ bao giờ!”.
Ảnh: hoàng triều
Không chỉ có thói quen đọc sách và xem đó là một cách nạp năng lượng kiến thức, là cách thức giải trí bổ ích, lành mạnh, người Sài Gòn - TP HCM còn nâng niềm yêu thích thành một thú chơi tao nhã, bổ ích không kém phần hấp dẫn và đầy cám dỗ. Thật vui khi biết rằng trong số hậu sinh nối gót niềm say mê với sách như cố học giả Vương Hồng Sển đã có không ít những người trẻ. Họ không chỉ giới thiệu, cổ vũ cho việc sưu tầm kiếm tìm những cuốn sách hay, sách quý; không chỉ tổ chức các cuộc triển lãm, trao đổi, đấu giá sách mà còn viết sách (“Về chốn thư hiên” của Trần Trọng Cát Tường); lập thành những trang mua bán, trao đổi sách trên mạng hoặc lập cả những trang web như Bookaholic, diễn đàn sách xưa (sachxua.net )..., quy tụ hàng ngàn thành viên tham gia với nhiều hoạt động phong phú, lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng. Hãy nhìn vào dòng người nườm nượp đến với các kỳ hội sách được tổ chức hai năm/lần, ta sẽ thấy người Sài Gòn đến không bởi sự hiếu kỳ hay tâm lý đám đông mà họ thực sự khao khát được giao lưu, gặp gỡ các tác giả và người làm sách; họ có nhu cầu tìm mua những cuốn sách cần đọc; sưu tập những đầu sách mới, sách quý, sách hay... Chính sự sôi động, hấp dẫn của thị trường xuất bản phía Nam, của đội ngũ những nhà viết sách, dịch sách vô cùng phong phú ở đây mà nhiều nhà xuất bản trung ương và địa phương đều tìm cách thiết lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại TP HCM cùng với cuộc “Nam tiến” đầy hăm hở của các đại gia làng sách phía Bắc. Họ không chỉ có văn phòng đại diện mà còn có cả thư quán, cà phê sách để tụ hội, giao lưu; họ còn mở các nhà sách, thậm chí hệ thống các nhà sách khang trang, đẹp đẽ cùng các hoạt động truyền thông tiếp thị rầm rộ chỉ cốt để chinh phục bạn đọc phương Nam vốn luôn thừa tình yêu với sách và không tiếc tiền mua những cuốn sách mà họ thấy yêu thích hoặc hữu ích, mặc cho thiên hạ vẫn than “giá sách ngày càng cao!”. Từ đó, thị trường sách TP HCM xứng danh hàn thử biểu của ngành xuất bản và thị trường xuất bản cả nước.
THÓI QUEN ĐỌC VÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI SÁCH của người Sài Gòn ngày hôm nay lúc âm ỉ, lúc cháy bỏng cũng là sự kế thừa tính cách phong lưu thưởng lãm của thế hệ người Sài Gòn năm xưa. Chính vậy mà trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, khi một nhóm người mê sách và những người hoạt động lâu năm trong làng sách cùng nhau đề xướng cho việc tạo dựng một con đường sách mang nét đặc thù của cư dân thành thị “buôn có bạn, bán có phường”, một con đường sách là nơi phục dựng một miền ký ức khó phai của những kỷ niệm gắn liền với các quầy sách, gian sách mới - cũ trên những con đường và lề đường ở vị trí trung tâm thành phố trước ngày đất nước thống nhất 30-4-1975. Một con đường sách là không gian văn hóa mở cho các hoạt động tạo lập thói quen và cổ vũ văn hóa đọc, nơi thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố sau những giờ lao động mệt nhọc; nơi giao lưu, trao đổi giữa những người làm nghề, giữa tác giả, người đọc, người làm sách; nơi gặp gỡ, trao đổi giữa những nhà sưu tập có chung niềm đam mê sách cổ, sách quý, sách hay, sách hiếm... Ý tưởng này đã nhanh chóng nhận được sự cộng hưởng của nhiều người và cả sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo chính quyền địa phương khi UBND TP ra quyết định dành hẳn một con đường đẹp ở một vị trí đắc địa, thuộc trung tâm của thành phố và là nơi tụ hội những di tích, kiến trúc độc đáo, phản ảnh chiều dày lịch sử hơn 300 năm của thành phố, đó là đường Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, quận 1).
Đường sách dài 140 m, lòng đường 8 m, hai vỉa hè mỗi bên 6 m, giáp với mặt sau trụ sở UBND quận 1 và bên hông trụ sở Bưu điện Thành phố. Có lẽ Đường sách TP HCM sẽ sớm nên hình nên vóc và đi vào hoạt động như là một biểu tượng độc đáo, một điểm nhấn văn hóa - du lịch của thành phố trẻ, năng động, luôn khát khao với tri thức này. Và ngọn lửa tình yêu của người Sài Gòn dành cho sách sẽ tiếp tục cháy lên...