Chị chỉ bị sổ mũi, tắt tiếng, đi vào bệnh viện khám nào ngờ bác sĩ bắt nhập viện. Không phản đối được bằng lời, chị đành ghi ra giấy lý do xin được điều trị ngoại trú: "Tôi khỏe mà bác sĩ. Lúc nãy tôi tự chạy xe đến đây. Nhà tôi ở gần bệnh viện, tôi có thể di chuyển rất thuận tiện. Chồng tôi không biết cách chăm con, ảnh rất đểnh đoảng, tụi nhỏ lại đang ôn thi…".
Đọc xong, bác sĩ cười hiền nhưng thái độ rất quyết đoán: "Chị phải ở lại bệnh viện điều trị nội trú. Thanh quản chị bị viêm cấp, nếu sưng phù nhiều, diễn tiến xấu sẽ ảnh hưởng đến đường thở".
Không cần nghe phản hồi của chị, bác sĩ rút ngay hồ sơ nhập viện ghi tên chị vào. Tệp hồ sơ mà chị ngỡ như lưỡi dao phay bén ngót băm vằm không khí đầm ấm sum vầy của gia đình chị tối nay và không biết bao ngày tiếp theo. Bị "giam lỏng", lại không nói chuyện được, chị nhắn tin báo cho chồng và nhờ anh đem vào bệnh viện một số đồ cá nhân cần thiết.
Hay tin chị nhập viện, anh chỉ biết kêu trời và thả nhiều biểu tượng sững sờ trong tin nhắn. Chị biết anh đang rối bời vì trước đây, trong ngoài toàn chị thủ vai chính.
Bệnh viện thời COVID-19 hạn chế thăm nuôi, chị lại có thể tự phục vụ nên anh chỉ được phép gửi đồ ở cổng và ra về. Anh cũng không bên cạnh chị được lúc đau ốm, vì phải rước con ở trường học, chở bé lớn đi mua quà và đến tiệc sinh nhật bạn, rồi lo ăn uống cho bé nhỏ, rồi rước bé lớn về để kèm bài vở cùng nhiều việc nội trợ. Giao nhận giỏ đồ ở cổng, chị xua tay tỏ ý giục anh rước con kẻo trễ, đến nỗi anh chưa kịp nhìn chị và dặn dò.
Trở vào giường bệnh, mở giỏ đồ ra, chị lắc đầu bó tay vì sự ngớ ngẩn của chồng. Không soạn đồ đúng ý chị đã đành, anh còn nhầm lẫn từ cái bàn chải, cái khăn đến xấp chứng từ chị đang xử lý dang dở ở công ty, định tranh thủ hoàn thành ngay trong thời gian nằm viện.
Nhìn đến mớ nội y, chị cười đến té ho vì anh lấy phải quần chíp của con gái nhỏ. Bi hài nhất là cái áo ngực chỉ có… một quai, quai còn lại lạc đâu mất mà anh không biết tìm để gắn vào. Cười chồng hậu đậu, chị lại chạnh lòng tủi thân cho cái số của mình sao mà phải hầu chồng hầu con tận răng, để khi bản thân có chuyện thì không nhờ ai khác được.
Chị chụp hình cái áo ngực có một không hai nhắn cho vài người thân thiết. Cả nhóm được một trận cười no hơi. Kẻ chọc chị may mắn có chồng không biết ghen nên gửi cho chị nội y "cởi mở". Kẻ phán chị đảm đang lấy hết phần của chồng. Kẻ so sánh ông xã nhà mình cực kỳ ý tứ và chu đáo chứ không tồ như vậy và liền chốt "mày già bệnh khổ chắc".
Trò cười càng nhây, khi kết thúc, lòng chị thêm ngổn ngang. Không biết giờ này "ông đoảng" nhà mình đã rước con ở chỗ sinh nhật về chưa, đã ký tên vào sổ dặn dò cô giáo gửi về chưa, hay có biết mình đã gửi sót đồ cho bệnh-nhân-vợ hay không?
Nhìn cái áo không thể chấp nhận được ấy, chị cười mà không ngăn được sự ấm ức và chán nản. Bình thường, chị đã gọi điện cho anh nhăn nhó, chế giễu hoặc "nắn chỉnh" trực tiếp. Nay vì "á khẩu" tạm thời nên chị đành soạn tin nhắn thật dài, và thủ sẵn cái hình để anh nhìn thấy "quái phẩm" từ sự bộp chộp tệ hại của mình.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Bỗng điện thoại chị có tin nhắn của ba ruột. Ba hỏi chị việc điều trị thế nào, và liền đề cập đến chuyện chàng rể đem cái áo ngực bị mất một quai. Chị há hốc: "Sao ba biết hay vậy?". Thì ra cô em họ, một trong số những người rất thân mà chị mới kể "sự tích áo ngực một quai", đã nhanh tay đăng ảnh lên Facebook, và bạn bè vào bình luận xới tung.
May mắn ba chị cũng là bạn chung nên vô tình đọc được. Ba nhắn chị lựa lời khuyên em ấy gỡ bài xuống, lát nữa lỡ chồng chị đọc tới sẽ cảm thấy tổn thương và câu chuyện sẽ đi quá xa. Đến ngưỡng đó thì không ai cười nổi. Ba chị khuyên con gái: "Chuyện tế nhị vợ chồng nên góp ý sau và chỉ nên chia sẻ riêng tư với nhau thôi".
Chị xám mặt khi đọc từng lời trong bài viết "hót hòn họt" của cô em họ và nhận ra sự cạn cợt, vô tâm của mình. Không khó để nhờ cô em ấy xóa bài viết, nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má chị, nhất là khi chị đọc lại những dòng tin nhắn định bấm gửi cho anh. Xóa tin nhắn là khi lòng chị xua đi sự kiêu ngạo của người vợ "hết chỗ chê" lẫn những trách hờn, so đo với người bạn đời. Anh dẫu có hơi chậm chạp, lớ ngớ, nhưng luôn thủy chung và trách nhiệm.
Chị chụp hình tổng thể cái giỏ đầy mà anh đã gom góp hơn tiếng đồng hồ gửi vào bệnh viện cho chị hồi chiều. Rồi vào ứng dụng sửa hình, chị gắn cho cái giỏ một trái tim màu hồng và vài lời nũng nịu: "Tối nay không có "người thơm thơm" kia để ôm thì ôm đỡ cái giỏ này". Chị gửi hình ấy cho anh, mà quan trọng hơn là để chị cất giữ cho mình.