Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức "Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" dưới dự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cho hay với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu HSSV và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục đào tạo xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định mục tiêu của ngành GD-ĐT là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để chuyển đổi số, đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của người lãnh đạo. Bộ GD-ĐT cần một nghị quyết và một đề án về chuyển đổi số ngành giáo dục, tiếp đến là sự thay đổi một số thể chế về phương thức và mô hình dạy học.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu
Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết Viettel cam kết sẽ luôn đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo, tiếp tục đầu tư, phát triển các giải pháp mới cũng như ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại để hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục, tạo ra một xã hội học tập hiệu quả và cho mọi người. Ông Lê Đăng Dũng cũng đề xuất Bộ GD-ĐT sớm ban hành khung chính phủ số 2.0 cho ngành và ban hành khung pháp lý để công nhận kết quả học tập trên môi trường số, chính thức áp dụng việc sử dụng học bạ điện tử trong ngành.
Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel đã ứng dụng CNTT đến hơn 25.000 trường để tối ưu công tác quản lý; phối hợp triển khai tập huấn cho gần 1 triệu giáo viên theo chương trình phổ thông mới; hỗ trợ 26.000 nhà trường dạy và học trực tuyến trong thời gian bùng nổ dịch Covid 19, lắp đặt Internet tốc độ cao miễn phí tới hơn 32.000 trường học trên toàn quốc và trao hơn 100.000 suất học bổng cho các trẻ em nghèo hiếu học. Đặc biệt, mạng xã hội học tập lớn nhất Đông Nam Á do Viettel xây dựng mang tên ViettelStudy đã có hơn 11 triệu người dùng tại 25.700 cơ sở giáo dục trên cả nước.
Tại sự kiện, Bộ GD-ĐT và Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, hai bên hợp tác triển khai 7 nội dung quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo; nổi bật là việc cùng hợp tác phát triển và triển khai "Hệ sinh thái chuyển đổi số cho ngành giáo dục và đào tạo". Hệ sinh thái này sẽ phù hợp với các quy trình nghiệp vụ quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học của ngành GD-ĐT, hướng tới mục tiêu chuẩn hóa dữ liệu, kết nối liên thông cung cấp dữ liệu từ sở, phòng giáo dục với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD-ĐT đang triển khai.
Thông qua hệ sinh thái chuyển đổi số cho ngành giáo dục, mỗi giáo viên, học sinh sẽ có một mã số định danh. Mã định danh học sinh giúp quản lý xuyên suốt toàn bộ thông tin của mỗi học sinh từ lúc bắt đầu đi học đến kết thúc trung học phổ thông và lên đại học. Mã định danh giáo viên giúp lưu trữ thông tin quá trình công tác, bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý cấp cơ sở. Các giải pháp đáp ứng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu và kết nối, đảm bảo liên thông dữ liệu với hệ sinh thái của ngành GD-ĐT, trong đó trọng tâm gồm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, kho học liệu số toàn ngành.
Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước, từ năm 2014, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bộ GD-ĐT, đồng hành cùng Bộ GD-ĐT triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT cho ngành. Các giải pháp do Viettel triển khai đã và đang góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, để học sinh Việt Nam dù ở miền núi hay hải đảo xa xôi, ở cực Bắc hay cực Nam tổ quốc đều được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao.