Chảy dọc theo mặt Đông của Kinh thành Huế, sông Đông Ba là một dòng sông có vai trò quan trọng trong lịch sử của Cố đô Huế.
Sông dài khoảng 3km, được đào dưới thời vua Gia Long, nối liền hai đoạn sông Hương từ phía cầu Gia Hội đến phố Bao Vinh, có nhiệm vụ phòng hộ phía Đông kinh thành Huế.
Dưới triều Nguyễn, sông Đông Ba có tên chữ là Tả Hộ Thành hà, tức là con sông bảo vệ phía bên trái Kinh Thành.
Năm 1808, triều Nguyễn đã cho xây ba cây cầu bắc qua sông gồm cầu An Hội, cầu Đông Gia, cầu Thanh Tước, đến thời Minh Mạng và Thiệu Trị đổi tên thành cầu Gia Hội, cầu Đông Ba và cầu Đông Hội. Ngày nay cầu Đông Hội không còn, cầu Gia Hội và Đông Ba đã được xây mới.
Nằm bên bờ sông Đông Ba, nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng của Cố đô Huế cũng gắn liền với tên gọi Đông Ba.
Khu chợ quan trọng nhất của Huế là chợ Đông Ba, ban đầu nằm bên bờ sông Đông Ba, phía ngoài cửa Ðông của Kinh thành (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian). Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay, bên ngã ba sông Đông Ba - sông Hương.
Sau đó, khu vực chợ Đông Ba cũ trở thành trường Pháp - Việt Đông Ba, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh theo học từ năm 1906-1908. Năm 1923, trường chuyển về địa điểm trường Gia Hội ngày nay. Vị trí trường cũ hiện tại là vườn hoa, nơi có một bia kỷ niệm trường Pháp - Việt Đông Ba.
Dưới triều Nguyễn, bờ Đông của sông Đông Ba là khu phố Gia Hội, vùng dân cư cổ của kinh thành Huế. Nơi đây có hàng trăm di tích và công trình kiến trúc đẹp nên vào cuối thế kỷ 19 từng là chốn đô hội nổi tiếng không kém gì khu đô thị cổ Hội An.
Đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ sông Đông Ba chính là một khu phố cổ trù phú bậc nhất của Gia Hội xưa kia.
Trên con đường này có rất nhiều đình, đền chùa, phủ đệ, từ đường... được xây dựng từ thời nhà Nguyễn với lối kiến trúc đậm chất Huế.
Di tích nổi tiếng nhất trên đường Bạch Đằng là chùa Diệu Đế, một trong bốn ngôi Quốc tự của Cố đô Huế.
Dọc đường Bạch Đằng là có hàng chục cây bồ đề cổ thụ soi bóng xuống sông Đông Ba, càng làm tăng thêm nét thơ mộng của dòng sông và dấu ấn thời gian của con đường lịch sử.
Tô điểm cho cảnh quan đậm nét hoài cổ là những khung cảnh sinh hoạt đời thường mộc mạc bên bờ sông Đông Ba.
Giữa cuộc sống hiện đại đầy sự náo nhiệt, bon chen, sông Đông Ba như một dòng sông chảy về từ quá khứ xa xăm, là nơi lưu giữ lại nhịp sống từ tốn, bình thản của Cố đô Huế xưa.
Nếu có dịp đến với xứ Huế, du khách không nên bỏ lỡ dịp ghé thăm sông Đông Ba để cảm nhận vẻ đẹp đậm chất Huế của dòng sông này.
Một số hình ảnh khác về sông Đông Ba.