Giữ được tình nghĩa
Thẩm phán Hồ Thị Lệ Thanh - TAND Q.Phú Nhuận kể, chị làm công tác xét xử chỉ mới hai năm nhưng đã gặp nhiều cặp vợ chồng chia tay rất đẹp, khi ra tòa họ vẫn giữ được tình nghĩa với nhau.
Kết hôn được tám năm, vợ chồng chị Hoàng Thị Nguyên - Đinh Văn Tấn quyết định ly hôn. Lý do anh chị ghi trong đơn gửi tòa chỉ là: ly thân đã lâu, không còn khả năng hàn gắn.
MINH HỌA: NOP |
Ra tòa, hai người vẫn luôn xưng anh, em và không một lời đổ lỗi cho nhau. Riêng anh Tấn, cũng không tỏ thái độ hằn học người mẹ vợ - dù theo anh chị, đó là lý do khiến hai người xa nhau.
Còn cặp vợ chồng trẻ: Phạm Thị Hạnh - Trần Minh Quốc (27 tuổi, Q.Bình Thạnh) cũng "OK, mình chia tay" một cách vui vẻ sau ba năm chung sống. Anh chị đến với nhau bằng tình yêu thời sinh viên đầy thơ mộng. Tuy nhiên, chỉ mới sau sáu tháng sống chung, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn. Vợ chồng gây gổ hoài nên cả hai cùng đề nghị: "giải phóng" cho nhau.
Trong buổi hòa giải, vợ chồng chị Hạnh không còn căng thẳng. Bởi theo chị Hạnh tâm sự: "Thật ra, vợ chồng em cũng còn tình cảm với nhau. Nhưng cứ gây gổ suốt, làm khổ con và khổ cả hai nên chúng em chia tay. Có lẽ, tụi em làm bạn tốt hơn làm vợ chồng".
Con cái không bất hạnh kép
Ly hôn - biểu trưng của sự đổ vỡ, không lành lặn thì tự thân nó không hàm chứa ý nghĩa tích cực. Nhiều người vẫn cho rằng, khi vợ chồng ly hôn, người gánh chịu mất mát nhiều nhất chính là con cái. Bất hạnh nhân đôi khi các em vừa không được sống chung với cha mẹ, có nguy cơ trở thành "vật" để người lớn trút giận và không được chăm sóc chu đáo, thậm chí bị bỏ rơi. Tuy nhiên, bất hạnh kép hiếm khi xảy ra với con cái và cũng không để lại "vết thương lòng" với người trong cuộc ở những cuộc chia tay đẹp mà các thẩm phán gọi là "ly hôn văn hóa".
Sau hai lần hòa giải không thành, tòa chấp thuận yêu cầu ly hôn của vợ chồng chị Hạnh. Trong phần chia tài sản và xác định quyền nuôi con, tòa không phải vất vả, vì anh chị thỏa thuận nhanh chóng, chẳng có sự tranh chấp. Anh Quốc nói: "Con còn nhỏ, rất cần mẹ nên anh để con ở với em, anh sẽ đến thăm thường xuyên và một tháng trợ cấp cho con hai triệu đồng. Khi con ngưng bú mẹ, nếu em không nuôi thì anh sẽ nuôi". Còn tivi, tủ lạnh, máy giặt... dù hoàn toàn do anh Quốc mua (từ khi cưới, chị Hạnh nghỉ việc ở nhà nuôi con, mọi chi tiêu, mua sắm, tiền thuê nhà đều do anh Quốc) anh giao hết cho chị, vì như anh nói: "Anh sống một mình, ăn cơm bụi đâu cần mấy thứ đó, trong khi nó lại cần thiết với hai mẹ con".
Trước khi chị Hạnh, anh Quốc về, vị thẩm phán nhắc: "Anh cố gắng giữ đúng lời hứa, tới thăm con thường xuyên, để cháu không chịu thiệt thòi, thiếu tình thương của cha". Anh Quốc chưa kịp lên tiếng thì chị Hạnh cười: "Anh ấy thương con lắm, chắc chắn sẽ giữ đúng lời".
Với vợ chồng chị Nguyên, thẩm phán Thanh còn nhớ rõ: "Tôi cứ nghĩ phần chia tài sản của vợ chồng họ sẽ rất gay go, vì anh chị vừa có tài sản chung, vừa có tài sản riêng. Nhưng hai người đã cư xử rất văn hóa. Ngoài tài sản chung là những vật dụng, tài sản mua sắm trong gia đình, tiền tiết kiệm vợ giữ, anh Tấn còn tạo được một căn hộ chung cư trong thời gian vợ chồng ly thân. Nhưng anh đã tự nguyện để lại hết cho vợ, anh đã cẩn thận làm giấy tờ tặng căn nhà đó cho vợ và mỗi tháng hứa trợ cấp nuôi con ba triệu đồng. Anh Tấn nói: khi ly hôn, người phụ nữ và con cái thường chịu thiệt thòi hơn người đàn ông nên anh muốn bù đắp, dù gì đó cũng từng là vợ và con anh. Nhìn anh chị trao đổi, thỏa thuận về tài sản, nuôi con tôi rất xúc động".
Trường hợp của chị Nguyễn Thu Hồng ở Q.3, TP.HCM cũng là kiểu mẫu của chia tay đẹp. Sau khi phát hiện chồng ngoại tình, chị không làm ầm ĩ mà nộp đơn ly hôn để kết thúc 14 năm chung sống. Chồng chị không đồng ý, nhưng trước hành vi ngoại tình của anh, tòa chấp thuận cho chị ly hôn. Mỗi người sở hữu một căn nhà, còn hai người con (trai 8 tuổi, gái 11 tuổi) anh nhường cho vợ nuôi theo nguyện vọng của chị và chu cấp mỗi tháng bốn triệu đồng.
Dù vợ chồng chị đã ly hôn được 9 tháng, nhưng anh chị vẫn cư xử với nhau như thời còn chung sống. Cuối tuần anh về nhà thăm con và hai người đưa con đi chơi. Chẳng bao giờ ai nghe chị phàn nàn hay nói xấu chồng cũ. Với chị và con cái, ly hôn không để lại những dấu ấn quá đau buồn hay sự mất mát quá lớn.
Dễ mà khó...
Làm sao để có những cuộc chia tay đẹp và duy trì mối quan hệ tốt thời hậu ly hôn, điều này được chính người trong cuộc như chị Thu Hồng lý giải: "Đây là chuyện dễ mà khó, khó mà dễ. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, đừng vội đổ lỗi cho "người ta". Bạn phải can đảm nhận một phần trách nhiệm về mình. Điều đó sẽ giúp bạn không oán hận "người ta", vì thế, khi ra tòa, lòng sẽ nhẹ nhàng. Thay vì xem chồng, vợ của mình là kẻ thù đã gây ra đau khổ cho mình. Một nguyên nhân rất quan trọng chính là bạn cư xử như thế nào thì "người ta" cũng hành xử theo. Bạn hành xử văn hóa và "bình thường hóa quan hệ" thì "người ta" cũng vậy thôi!".
Ở góc độ người làm công tác xét xử, qua thực tiễn của những cặp ly hôn đẹp, thẩm phán Thanh đã "giải mã” hiện tượng này: "Theo quan điểm của nhiều người, ly hôn bị xem là thất bại của cuộc đời nên khi ra tòa, người trong cuộc có tâm trạng nặng nề và trong lòng mang ít nhiều tổn thương do những mâu thuẫn, rạn nứt trong quá trình chung sống gây ra. Nhưng với những cặp ly hôn đẹp thì lại khác. Họ nghĩ, ly hôn không phải là chuyện bất thường, nó cần thiết khi hai bên không đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau. Bên cạnh đó, một điểm chung của những cặp ly hôn đẹp là họ đến tòa với trái tim không bị tổn thương. Vì trong thời gian sống chung, khi mâu thuẫn phát sinh, họ không dùng những lời nói cay nghiệt, xúc phạm, hơn thua để gây tổn thương cho nhau. Tuy nhiên, điều cốt lõi là người trong cuộc đã vì quyền lợi con cái, đặt lợi ích của con lên trên tự ái cá nhân, cái tôi của mỗi người, nên sự bực bội, oán hận đã không xảy ra".