Không chia trước
Anh N. và chị T. kết hôn năm 1997, năm 1999 mua căn nhà ở Q.6, TPHCM do chị đứng tên. Năm 2001 cả hai thuận tình ly hôn, chị T. nuôi đứa con ba tuổi, căn nhà tự thỏa thuận chia. Sau đó, chị T. đưa anh N. 100 triệu đồng và anh N. viết giấy tay giao nhà cho chị T.
Năm 2003, chị T. kết hôn. Năm 2007, chị T. định bán nhà. Do chủ quyền nhà chị T. đứng tên năm 1999, nhưng giấy kết hôn năm 2003 ghi rõ, kết hôn lần thứ hai, nên phòng công chứng cần giấy tờ chứng minh chị đã tự thỏa thuận chia tài sản với chồng trước. Giấy tay nhận tiền và đồng ý giao nhà của anh N. không có giá trị pháp lý. Phòng công chứng đã nhiều lần mời, nhưng anh N. không đến.
Phòng công chứng khuyên chị T. nên yêu cầu tòa phân chia tài sản chung, khi đó, chị T. mới được giao dịch phần sở hữu của mình. Nhưng lúc này anh N. lại đòi được chia đôi.
Năm 2001, ông B. và bà L. ly hôn, tài sản chung là căn nhà ở Q.4, do bà L. mua giấy tay chưa hợp thức hóa và không yêu cầu tòa chia. Ông B. tự nguyện giao nhà cho bà L. và ba con sử dụng.
Sau đó, bà L. hợp thức hóa chủ quyền nhà, với giấy ly hôn và giấy xác nhận độc thân. Bà L. được đứng tên chủ quyền. Năm 2007, bà L. bán nhà và được công chứng. Ông B. biết được, kiện ra tòa. Mặc dù bà L. thắng kiện nhưng đã phải vất vả hầu hai cấp tòa và tốn nhiều tiền bạc, thời gian.
Năm 1994, TAND Lâm Đồng xử ly hôn cho bà Phạm Thị Tơ và ông Phạm Văn Hòa. Bà Tơ nuôi ba con, phần tài sản chung 1,4 ha đất, tòa giao cho huyện Đức Trọng giải quyết tranh chấp. Năm 2000, UBND huyện lại cấp 1,4 ha này cho bà Hồ Thị Hồng Chiến là vợ sau của ông Hòa. Bà Tơ đã gửi đơn khiếu nại, UBND huyện Đức Trọng có văn bản trả lời “do huyện không nhận được bản án; UBND xã Tân Hội lại có tờ trình, cho biết ông Hòa được phép ủy quyền cho bà Chiến đăng ký”.
Huyện ra quyết định thu hồi đất, tạm giao cho bà Tơ và bà Chiến mỗi người 5.500 m2. Do ông Hòa lánh mặt đến nay, nên việc phân chia đất chính thức vẫn bỏ ngỏ.
Để tránh hậu quả
Bà Hà Thúy Yến - Phó chánh án TAND TPHCM phụ trách dân sự, cho biết: “Điều 95 Luật HNGĐ năm 2000 quy định việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”. Nếu các bên thỏa thuận phân chia thì tòa công nhận và không thu án phí theo mức giá trị tài sản. Tuy nhiên, nhiều vợ chồng có tài sản, nhưng lại khai “không có tài sản chung”. Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực lại kiện tòa xin chia. Theo bà Yến, dù tự chia hoặc chưa chia, khi ly hôn nên kê khai đầy đủ tài sản chung để đưa vào bản án.
Theo NĐ 70/1997/NĐ-CP quy định, nếu yêu cầu chia tài sản ly hôn giá trị 100 triệu đồng phải đóng án phí 5 triệu đồng; 200 triệu, đóng 9 triệu; 500 triệu đóng 18 triệu và một tỷ đóng 28 triệu. Một số vụ ly hôn, đương sự tự thỏa thuận phân chia, nhằm không mất phí, mất công phải “hầu tòa”. Ngoài ra, trong một số vụ ly hôn, người ta còn tự thỏa thuận cho, tặng tài sản: nhà đất, xe cộ... trước khi ly hôn, để không phải đóng thuế chuyển quyền sử dụng (đất), lệ phí trước bạ.
Tuy nhiên, sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, hai bên lại không chịu hợp tác để hợp thức hóa tài sản đã thỏa thuận chia, nên xảy ra nhiều tranh chấp. Để việc phân chia được thuận lợi, êm đẹp, đối với tài sản có giá trị trong gia đình như tiền, vàng, thiết bị máy móc thì nên lập tờ thỏa thuận, có chữ ký của hai bên, có người làm chứng. Đối với các tài sản mà theo quy định phải đăng ký quyền sở hữu như nhà đất, xe cộ, tàu thuyền... cần phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, sau đó phải làm thủ tục trước bạ và đăng ký (đăng bộ) theo quy định.