Số phận của những phụ nữ sống trong vùng nông thôn nghèo ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn - Hà Nội là những câu chuyện đầy nước mắt. Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng các chị cố đứng vững để tạo cho gia đình cuộc sống ổn định và nuôi dạy con cái nên người.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, 19 tuổi lấy chồng, 25 tuổi chồng mất, bị anh chồng đuổi khỏi nhà. Ảnh: BÍCH DIỆP CHỤP LẠI TẠI TRIỂN LÃM
Bất hạnh tuổi xuân thì
Năm 20 tuổi, chị Nguyễn Thị Tần rời quân ngũ với cái thai 6 tháng. Trở về làng với những lời dị nghị và sự lạnh lùng của người thân, chị xin gia đình mảnh đất nhỏ cất nhà ở riêng, gồng mình nuôi con. Chị vừa lăn lộn kiếm sống vừa tự đóng gạch, làm nhà, mắc điện, che mái dột… vì sợ có thêm lời gièm pha, ngại người ta nghĩ chị có tình ý với chồng người. Chị sống cách biệt, ngại giao tiếp nhưng rồi ngẫm thấy điều đó khiến người ta càng không hiểu và coi thường, chị chủ động sống hòa nhập hơn, gắng nuôi dạy con tốt để mọi người hiểu đúng về chị. Giờ đây, chị được bầu vào Ban Quản lý Hợp tác xã Đơn thân, con gái đã lập gia đình và có việc làm ổn định.
Chị Đỗ Thị Giỏi lấy chồng năm 19 tuổi mà không biết gì về tình yêu chỉ vì “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Chồng chị lười biếng, lại có máu trai gái. Sau 2 năm chung sống với bao buồn tủi, chị đâm đơn ly hôn. Có nhiều người đến với chị nhưng chị sợ lại lấy phải người không ra gì! Chị quyết tâm “xin” một người con và tự mình nuôi dạy. Năm 23 tuổi, chị sinh bé Còi mới thấu hiểu cảnh bà mẹ đơn thân. Trải qua bao khốn khó, Còi của chị nay đã 20 tuổi và là công nhân cơ khí của một nhà máy.
Số phận của chị Đàm Thị Hạt cũng đầy éo le. Gia đình chồng khinh miệt nhà chị nghèo lại vu oan chị ăn cắp gạo nên hay chì chiết, mắng chị. Chồng thì cục cằn, bạo lực nên sau 4 năm chung sống, chị đành ly thân và rời nhà chồng khi con út mới 2 tháng tuổi. Không về nhà mẹ đẻ, chị chặt tre, nhào đất, làm một chái tạm cỡ cái chõng tre trên đất của hàng xóm ở nhờ. 11 năm, 6 lần di chuyển, một nách 3 con đã quá khổ nhưng thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi, chị đã nhận về nuôi... Chăm làm lụng, nhà chị dần khá lên và tiện nghi hơn, các con đều ngoan ngoãn và hết mực thương yêu nhau.
Tai ương bất ngờ
Khác với chị Giỏi, tình yêu đã gắn kết chị Ngô Thị Nhàn với chồng nhưng hạnh phúc chẳng bao lâu, chồng chị mất sau một cơn bạo bệnh khi chị mới 30 tuổi. Đau đớn đến không thiết sống nhưng chị cố gắng gượng xoay xở đủ nghề, từ xách vữa thuê, chạy chợ, chăn nuôi… để nuôi dạy con. Cực nhọc là thế nhưng đêm đến, chị chẳng thể nào chợp mắt và khóc thầm cho phận hẩm hiu của mẹ con chị… Theo thời gian, các con cũng dần lớn khôn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh lại có nỗi buồn đau khác. 19 tuổi, chị về nhà chồng, không may sau 6 năm chung sống, chồng chị qua đời, con mắc bệnh thận. Chị lại bị anh chồng đuổi khỏi nhà và nói chị không được chia phần đất hương hỏa. Bố mẹ đẻ thương, cho chị miếng đất nhỏ xây nhà nhưng trong 10 năm, chị lần lượt cắt bán để lấy tiền chữa bệnh cho con. Rất may con chị khỏi bệnh, đã lập gia đình, sinh cho chị một thằng cháu nội và hết lòng chăm lo cho chị.
Còn nhiều mảnh đời éo le khác nữa. Đó chỉ là số nhỏ trong hơn 200 phụ nữ đơn thân của xã Tân Minh, đã được thể hiện sinh động qua triển lãm “Những bà mẹ đơn thân” do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3, kéo dài đến hết tháng 5.
Các bức ảnh được thực hiện bằng photovoice, với chủ đề “Điều chúng tôi muốn nói”, do chính các bà mẹ đơn thân thực hiện, kể về cuộc sống thực cùng những niềm vui và nỗi buồn của họ. Trên hết là niềm vui, nỗi khát khao và mơ ước về một tương lai đủ đầy, có nhà cửa đàng hoàng, con ngoan, cháu thảo. Không chỉ thế, họ còn kêu gọi cộng đồng hãy mở lòng chia sẻ, chung tay xóa bỏ mọi rào cản và định kiến, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.