Tiếp sức đến trường
Tháng 5-2019, Grab và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) công bố dự án "Xây cầu đến lớp" nhằm xây dựng cầu cứng và cầu liên hợp đập tràn cho trẻ em tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Trong quá trình khảo sát thực tế, việc tận mắt chứng kiến những cơ cực của người dân, đặc biệt là những hiểm nguy mà các em học sinh phải đối mặt hàng ngày, băng qua những con suối, vách đá cheo leo để tới trường, là nguồn động lực để dự án "Xây cầu đến lớp" nỗ lực hoàn thiện các công trình cầu, sớm kết nối đôi bờ để con đường tới lớp của các em an toàn, thuận lợi hơn.
Cả tám cây cầu trong dự án đều bắc qua những địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi sông, suối, giao thông rất khó khăn và đặc biệt đứt đoạn hoàn toàn trong những ngày mưa lũ. Người dân các địa phương đa phần là người dân tộc thiểu số, đời sống, kinh tế chưa phát triển.
Như thôn Gia Giã, thuộc xã Hướng Hiệp - xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Mỗi ngày hơn 350 trẻ em và người dân phải di chuyển qua suối Tiên Hiên rộng khoảng 50m, cao 5m. Vào mùa mưa, mực nước dâng cao và chảy xiết khiến việc băng qua con suối này càng nguy hiểm, ảnh hưởng cuộc sống người dân và đường đến trường của các em nhỏ.
Tại Vĩnh Long, một người dân sống gần cầu Phước Thới B (Mang Thít, Vĩnh Long) chia sẻ: "Trước khi có cầu, gia đình tôi luôn chuẩn bị sẵn một đoạn dây có móc, mỗi khi nghe tiếng 'ùm' hoặc tiếng kêu cứu thì phải chạy ra ngay để cứu người và xe rơi xuống sông".
Hay ở khu vực xã Nậm Ty, Hà Giang, kể cả những ngày nắng, học sinh vẫn phải đi từ ba em trở lên, cùng nhau lội qua suối.
Đại diện đơn vị khảo sát cho biết: "Khi đi học các em không dám một mình lội qua suối vì sợ nước cuốn trôi. Các em thường xuyên bị ngã ướt, trôi dép, cặp sách. Khi trời mưa, các em phải nghỉ học".
Trong quá trình triển khai, bản thân dự án cũng gặp nhiều khó khăn; tại nhiều địa bàn, nơi các cây cầu bắc qua là cung đường di chuyển duy nhất từ trung tâm vào các bản, làng; việc vận chuyển nguyên vật liệu và thi công rất khó khăn.
Thành quả xứng đáng
Vượt qua những khó khăn đó, sau gần 5 năm triển khai, dự án đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, với 8 cây cầu tại năm địa phương được đưa vào hoạt động.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 8 tỉ đồng, trong đó hơn 6,6 tỉ đồng được Grab và người dùng chung tay đóng góp. Hàng ngàn em học sinh, giáo viên, người dân các địa phương vùng sâu vùng xa đã có thể đi lại thuận lợi hơn, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, tai nạn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Những cây cầu còn góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, kinh tế địa phương phát triển, cải thiện sinh kế cho bà con.
Tám cây cầu mang con chữ đến gần hơn tới các em học sinh
Chia sẻ về dự án, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi dự án "Xây cầu đến lớp" mà Grab Việt Nam và Quỹ BTTEVN phối hợp triển khai trong những năm qua thành công tốt đẹp. Với sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng mà chúng tôi cam kết thực hiện tại Việt Nam, Grab sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành để triển khai thêm nhiều dự án cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Đây cũng được xem là tiền đề để chính quyền các địa phương huy động các nguồn lực của xã hội, công tác xã hội hoá để phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương. Bên cạnh dự án "Xây cầu đến lớp", Grab Việt Nam vẫn liên tục có các hoạt động xã hội vì cộng đồng trong thời gian qua.
Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, Grab Việt Nam mới đây đã công bố triển khai chương trình "Cùng Grab đưa Tết về đến từng con hẻm" phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM. Chương trình được thực hiện nhằm hỗ trợ đối tượng là người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại các hẻm nhỏ trên địa bàn TP HCM.