Sự việc một nam ca sĩ đi triệt sản đang khiến cộng đồng mạng xôn xao. Thật khó tìm một người đàn ông dám công khai chuyện đó vì xưa nay người ta vẫn ngại làm, ngại nói ra.
Đàn bà vốn đã nhiều nỗi khổ, đến chuyện giường chiếu cũng gánh lắm nỗi lo âu. Ảnh minh hoạ
Đàn bà vốn đã mang nhiều nỗi khổ. Khổ đau từ những ngày mới dậy thì, bầu bì thì cơ thể căng lên, mạch máu giãn ra, rồi những vết rạch dọc rạch ngang in lằn theo mỗi lần sinh nở chưa kể đến cái chết có thể cận kề. Sự rủi ro y thuật hay một biến cố trong quá trình chuyển dạ sẽ dẫn đến một kết cục bi thương. Bởi thế ông bà ta có câu "gái chửa cửa mả" hàm ý mỗi lần đàn bà có thai là một lần họ kề cận lưỡi hái tử thần.
Không ít sản phụ nửa tỉnh nửa mê trong quá trình vượt cạn đã căn dặn người thân nuôi phải cứu lấy đứa con nếu như có bất trắc gì. Nỗi lo sợ mơ hồ cùng với những cơn đau chỉ đưa họ nghĩ tới một điều: là con chứ không phải là mình.Kiến thức y khoa đã chỉ ra rằng, triệt sản là thủ thuật thắt ống dẫn tinh, tức là chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh.
Sau khi tiến hành thắt ống dẫn tinh, nam giới vẫn có thể cương cứng, đạt cực khoái khi quan hệ tình dục và xuất tinh, nhưng trong tinh dịch không có tinh trùng. Tuy nhiên trong đời sống, sự hiểu biết hạn chế cùng với sự ích kỉ của mình, đa số đàn ông đổ hết phần khó khăn nhất cho đàn bà: có bầu khắc đẻ khắc chăm nếu không thì uống thuốc, đặt vòng, cấy que… hay triệt sản nữa cũng tùy.
Ai đã từng sinh mổ mới cảm nhận đủ cái tê nhói khi bị chọc tủy sống lưng hay cái buốt đau khi bị rạch tầng sinh môn dẫu phải sinh thường. Một cái hắt xì, ho, thậm chí đi vệ sinh cũng không phải dễ dàng nên khuôn mặt bà mẹ nào cũng nhăn nhăn nhó nhó. Ấy vậy mà, có những ông chồng cho rằng vợ mình nhõng nhẹo uốn éo, mổ đẻ như bị kiến cắn, muỗi chích là cùng. Có ông chồng ngô nghê mua kem lạnh cho vợ mới sinh như thể vợ mới tập thể dục xong đang cần đồ mát. Có ông chồng thức đêm một hôm đã trốn biệt để vợ con nằm chao vao từ sáng đến trưa. Sự hồn nhiên, vô tâm, vô tư của người đàn ông là nỗi buồn vô hạn cho người phụ nữ, nhất là thời điểm họ yếu đuối cả thể chất và tâm sinh lý như lúc mới sinh con.
Sự thấu hiểu, cảm thông của người chồng là điều vô cùng quan trọng để có một hòa khí tốt nhất trong gia đình. Khi đàn ông mặc định lấy vợ là để sinh con, nuôi con, làm việc nhà thì đừng hỏi vì sao các bà vợ trở nên ngoa ngoắt, lắm lời.
Hôn thú chỉ mang tính pháp lý, còn trách nhiệm là cả hai phải tự nhận thức lấy. Đứa con ra đời là kết quả của một sự đồng sáng tạo trên sự thăng hoa cảm xúc, do vậy trách nhiệm phải chia đôi. Một bờ vai vững chãi không hẳn phải xuất phát từ một cơ thể sáu múi, một người chồng thành đạt, một người chu cấp tiền bạc đầy đủ cho vợ con, mà có thể đến từ người đàn ông gầy gò, quê mùa nhưng thấy vợ đau là anh bật khóc, thấy con chào đời là anh chạy tới giành quyền chăm sóc.
Đừng vội kết luận đàn bà tham lam, cái gì cũng muốn. Vì nếu như để ước một điều, hẳn người vợ nào cũng muốn được yêu thương, được thấu hiểu "vợ tôi sinh em bé còn đau hơn" như câu của một ca sĩ vừa thực hiện ca thắt ống dẫn tinh ồn ào trên mạng.
Là trụ cột, đàn ông nên biết hi sinh (Ảnh minh họa)
Đàn ông mấy ai hiểu thấu tâm trạng nhấp nhỏm của vợ khi đến tháng mà chưa thấy triệu chứng gì. Mong ước thầm kín "được chồng chủ động kế hoạch hóa" là mong mỏi của rất nhiều phái yếu nhưng không phải ai cũng dám trao đổi thẳng thắn.Mang nặng đẻ đau đã đành, nhiều phụ nữ còn nơm nớp nỗi lo "vỡ kế hoạch". Phần vì hoàn cảnh, phần phụ thuộc biện pháp của chồng, có chị em muốn chủ động nhưng bản thân họ dị ứng với tất cả các biện pháp phòng tránh.
Tôi chợt ước rằng, từ này khái niệm "chuẩn men" của cánh mày râu không còn ở body săn chắc hay thời gian trong những chuyến phiêu lưu tình ái dài hay ngắn mà họ sẽ nói với nhau về triệt sản ở đàn ông, bởi đó là một giải pháp để thể hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội.