Sống thử có phải là "chân ái" trong tình yêu
Sống thử có phải là "chân ái" trong tình yêu
Trong tình yêu, ai cũng muốn đi tìm "chân ái" cho cuộc đời mình để rồi hôn nhân sẽ là đích đến cho chuyến hành trình này. Thế nhưng, không ai dám khẳng định hôn nhân là hạnh phúc, là cái kết đẹp trong tình yêu, vì hạnh phúc trong hôn nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, tình yêu trong hôn nhân luôn được xã hội công nhân và được pháp luật bảo vệ. Đối với tình yêu trong trào lưu những cuộc tình sống thử hay "ăn cơm trước kẻng" thì luôn bị xã hội bài xích vì cho rằng, điều đó đã đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức, nếp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nói về sống thử, một số chuyên gia tâm lý nhận định, đã gọi là "thử" thì không có gì là chắc chắn và sống thử không phải là cách duy nhất để các cặp đôi tìm hiểu nhau. Khi quyết định sống thử trước hôn nhân, những cặp đôi yêu nhau sẽ không đặt nặng vấn đề "trách nhiệm" với bản thân, gia đình và xã hội mà thay vào đó là tâm lý "trải nghiệm" hay "sống hết mình vì tình yêu" rồi tự tạo lòng tin cho nhau về một tương lai tốt đẹp.
Tuy nhiên, vì đang ở độ tuổi phát triển nên các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm về chuyện hôn nhân gia đình hoặc chưa làm chủ tiềm lực kinh tế của bản thân, nên khi sống chung sẽ dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Đến khi "cơm không lành, canh không ngọt" thì kết thúc mối quan hệ trong thất vọng.
Thực tế cho thấy, khi được hỏi về quan điểm sống thử trong tình yêu, một bộ phận giới trẻ hiện nay đều cho rằng, khi yêu là phải dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất cả về tâm hồn lẫn thể xác; chỉ có sống thử thì những cặp đôi yêu nhau mới có nhiều thời gian để tìm hiểu tính cách của đối phương, có cơ hội chăm sóc nhau, từ đó mới xác định được đâu là một nửa của cuộc đời mình. Cũng trong số các bạn trẻ đó, một vài bạn cho rằng, chuyện sống thử trước hôn nhân là "hiện đại" hay đơn giản hơn là "tình yêu mà không có tình dục thì chỉ là tình đồng chí".
Qua đó có thể thấy, phải chăng giới trẻ hiện nay cần phải nhìn nhân trào lưu sống thử dưới nhiều góc độ để có cái nhìn đa chiều hơn, từ đó tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân để tìm ra được hướng đi đúng đắn. Đồng thời có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Bởi lẽ, khi tình yêu "đội lốt" sống thử chỉ để thỏa mãn những nhu cầu, ham muốn của bản thân thì sẽ không tồn tại khái niệm "chân ái", mà chỉ là sự trải nghiệm thay vì trách nhiệm. Sống thử trước hôn nhân như một ván cược và số phận của những người trong cuộc sẽ là thứ được mang ra đánh cược.
Đừng để thử một lần đắm say để hối hận cả đời
Xã hội giờ đây có cái nhìn hiện đại và cởi mở hơn với vấn đề tình dục trước hôn nhân. Việc hai người nam nữ trưởng thành, tự do, tự nguyện chung sống với nhau là quyền của họ, không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, tất nhiên không ai có quyền phán xét.
Xét ở một phương diện nào đó, việc sống thử giữa các cặp đôi cũng có mặt tích cực khi các bạn trẻ được "trải nghiệm" cuộc sống hôn nhân để sau này đỡ phần bỡ ngỡ. Sống thử, nếu như là hành trình bước đệm cho một cuộc hôn nhân thì có lẽ không gì tuyệt vời hơn. Hoặc sau sống thử hai người chia tay văn minh, không để quá khứ làm vướng bận, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại thì cũng được coi là giải pháp ổn thỏa.
Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ chưa được trang bị cho mình đủ kỹ năng sống cũng như các kiến thức về sức khỏe sinh sản, thì sống thử đôi khi để lại những hậu quả khôn lường; có những trường hợp phải đánh đổi cả tương lai chỉ vì "trót dại" một lần sống thử.
Thực tế chứng minh rằng, đã có nhiều cô gái bị mặc cảm và không chịu được áp lực từ dư luận xã hội chỉ vì lỡ mang thai trong lúc sống thử, để rồi đành ngậm ngùi bỏ lại ước mơ, tương lai phía trước. Tệ hại hơn là khi họ lựa chọn âm thầm đi phá bỏ "kết tinh của tình yêu", lấy đi mạng sống của một sinh linh bé nhỏchưa kịp cất tiếng khóc chào đời, chỉ để níu kéo những thứ đã trở thành dĩ vãng. Song, việc nạo phá thai còn tiềm ẩn nguy cơ tước đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu an toàn còn khiến sức khỏe của các bạn trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổn thương tinh thần và thậm chí bị mắc các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tình dục.
Theo đó, hãy nghe những người trong cuộc tâm sự để hiểu thêm về trào lưu sống thử trước hôn nhân. Thông qua mạng xã hội Facebook, chị T.V (29 tuổi, quê ở Bạc Liêu, hiện là nhân viên tại một công ty quảng cáo ở TP Cần Thơ) chia sẻ: "Lúc còn là sinh viên, chị có quen với một người làm tài xế xe tải, do sống xa nhà và chịu thiếu thốn về mọi mặt nên một phút yếu lòng, chị đã chấp nhận cho bạn trai về sống chung phòng trọ.
Lúc đầu thì hạnh phúc đấy, nhưng khoảng thời gian sau đó thì rất tệ.Chị phát hiện ra nhiều tật xấu của bạn trai, đỉnh điểm là khi anh ta và gia đình cáu gắt, lăng mạ vàkhông thừa nhận đứa béchị đang mang là con, là cháu của mình. Dẫu rằng chịu nhiều áp lực từ gia đình và dư luận xã hội, nhưng chị không đi phá thai mà quyết định làm mẹ đơn thân đến bây giờ".
Tương tự, một nữ sinh học tại trường Đại học Y dược TP Cần Thơ, trãi lòng tâm sự: "Khoảng thời gian sống chung cùng bạn trai, mọi chi phí sinh hoạt em phải lo nên sáng đi học tối phải đi làm thêm. Em biết, khi sống thử thì chuyện quan hệ nam nữ là điều bình thường nhưng tần suất ngày càng cao làm em cảm thấy mệt mỏi. Có những tuần em chỉ đến trường vài ngày, cuối cùng em quyết định dừng lại mối quan hệ tạm bợ đó trong sự ân hận".
Trong xã hội này, ai cũng muốn có được một tình yêu đích thực, một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Cho nên, họ có quyền đi tìm "chân ái" của cuộc đời mình bằng nhiều "phép thử" và sống thử trước hôn nhân là một trong những cách mà họ chọn.
Thế nhưng, chẳng biết khoảnh khắc sống thử "thăng hoa" như thế nào và điều đó có phải là "chân ái" của tình yêu hay không, mà khi kết thúc không trọn vẹn thì người phụ nữ lại phải một mình gánh chịu những hậu quả nặng nề; cuối cùng chỉ có thể thốt lên hai từ "giá như"…