Lễ kỷ niệm Ngày Gia đình VN năm 2008 do UBND TPHCM, Ban Tổ chức Những ngày lễ lớn tổ chức sáng 28-6 tại Công viên 23-9 TPHCM, là cơ hội để tôn vinh giá trị bền vững của hai tiếng gia đình, nhắc nhở mỗi người nhớ về nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên và trở về trú ngụ yên bình sau bộn bề của cuộc sống.
Đối mặt với nhiều “hiểm họa”
Phát biểu tại buổi lễ, bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em TPHCM, đề cao vai trò của gia đình VN trong xã hội hiện đại cũng như khẳng định giá trị đạo đức gia đình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. “Ngày Gia đình VN là dịp nhắc nhở các ngành, các cấp quan tâm hơn đến công tác xây dựng gia đình, giáo dục đến mỗi gia đình kiến thức về pháp luât, chính sách, kỹ năng xây dựng gia đình, nêu gương người tốt việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình” - bà Vũ Kim Anh nói.
Hiện nay, các gia đình đang phải đối mặt với nhiều “hiểm họa” liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của mỗi gia đình như tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, lối sống thực dụng, sự phân hóa giàu nghèo... do vậy, theo bà Vũ Kim Anh, các gia đình nếu không được hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội sẽ khó khăn, thậm chí không làm tròn chức năng vốn có của mình.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết để xây dựng gia đình hạnh phúc thì công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi gia đình là nơi hình thành nên nhân cách của tuổi thơ. “Giáo dục con cái bằng chính gương sáng cuộc sống của bản thân cha mẹ là một việc khó khăn và trách nhiệm nặng nề, nhưng đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc, là phần thưởng lớn lao của các bậc làm cha, làm mẹ khi thấy con cái trưởng thành” - bà Hạnh nhắn nhủ.
Làm gương cho con trẻ
Gia đình bác Ngô Văn Sính, nhiều năm liền đoạt danh hiệu Gia đình văn hóa TPHCM và là một trong 33 Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc, gồm 29 thành viên với 3 thế hệ sống chung, nhưng rất thuận hòa. Vợ chồng bác đi đâu cũng có nhau và họ rất tự hào về tổ ấm của mình. Bác Ngô Văn Sính chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng gia đình, tôi quan tâm tới việc làm sao để duy trì mối quan hệ gia đình được trơn tru. Hai vợ chồng tôi không phân biệt con trai với con rể, con gái với con dâu và cố gắng sống tốt để trở thành tấm gương cho con cháu. Mỗi một đứa con lập gia đình lại tiếp tục là tấm gương cho con cháu của chúng...”.
Dù tóc đã bạc, bước chân không còn vững, nhưng trông vợ chồng bác Sính vẫn rất vui và hạnh phúc. Bác Sính cho biết, mỗi khi con trai có người yêu, bác đều bảo con dẫn về làm quen với gia đình trước khi cưới để cô dâu tương lai hiểu được nếp sống của gia đình. Nếu hòa hợp thì vợ chồng các con ở cùng với bố mẹ, nếu không thì có thể ra ở riêng. Tuy nhiên đến nay, tất cả các con của họ đều về sống chung với bố mẹ. Bác Sính cho biết: “Chúng tôi luôn tôn trọng quyết định, việc làm, thu nhập, sự riêng tư của các con. Mỗi khi có xích mích, trục trặc chúng tôi thường ngồi lại, cùng nhau trao đổi và tìm cách giải quyết để giữ được sự thuận hòa”.
Suốt quãng đời làm nghệ thuật, NSND Thanh Tòng luôn quan niệm phải là tấm gương cho các con noi theo. “Tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều đạo lý từ các vở diễn ngay từ khi còn rất nhỏ. Đó là truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trên, nhường dưới, tôn kính ông bà, cha mẹ... nên lúc nào tôi cũng cố gắng vun đắp cho mình những điều hay lẽ phải và cố gắng trở thành tấm gương cho các con”. Đứng bên cạnh người cha mẫu mực của mình, nghệ sĩ Quế Trân xúc động: “Cha không những truyền lại cho chúng tôi ngọn lửa đam mê nghệ thuật cải lương mà còn giúp chúng tôi thấm đẫm sự yêu nghề, yêu gia đình và cuộc sống”.