Mỗi người một “mảnh trời” riêng
Nhà tâm lý Đinh Đoàn, Trung tâm tư vấn Linh Tâm kể: Có một doanh nhân thành đạt, giàu có. Một lần anh rủ nhà tâm lý Đinh Đoàn đi uống rượu. Ngồi đến khoảng 8 giờ tối, nhà tâm lý Đinh Đoàn nhắc: giờ này chắc vợ con đang chờ anh về! Anh ta cười chua chát: có vợ con đấy nhưng tôi toàn phải ăn một mình, một mình xem ti vi, chẳng ai hỏi han, chẳng ai để ý. Ngồi đây còn có người ra kẻ vào, vui hơn!
Hỏi ra thì được biết, vợ anh làm đại diện cho một tổ chức nước ngoài nên phải đi công tác liên miên. Hôm nào ở nhà thì cũng chúi đầu vào máy tính. Anh nhắc thì cô ấy bảo anh hẹp hòi, chỉ muốn vợ luôn là người thua kém anh...
Các con anh giờ đã lớn, chúng bận học. Anh như trở thành người bị bỏ rơi trong gia đình. Căn biệt thự rộng thênh thang, nhưng mỗi người một phòng độc lập. Thức ăn thì để ở trong tủ, ai về lúc nào ăn lúc ấy.
Họa hoằn lắm gia đình mới có được bữa cơm đông đủ cả nhà. Nhưng ăn xong ai lại về phòng người đó. Chỉ còn trơ lại anh, một giám đốc giàu có, bao người phải kính nể, sống cô độc không một sự sẻ chia. Chán ngán, anh tìm đến quán bia, quán rượu để giải sầu.
Vô tâm giết chết hạnh phúc
Anh Phan Văn Bảo là trưởng phòng của một công ty tin học lớn tại phía Nam. Là kỹ sư tin học nhưng anh có thú vui văn chương, viết lách. Những đêm khuya vắng lặng, anh ngồi chong đèn để lấy cảm hứng làm thơ thì bị vợ cằn nhằn: “Thơ với chả văn! Nó có ra tiền đâu mà anh lại mất thời gian với những thứ vô bổ thế nhỉ?”.
Có lần viết được một truyện ngắn tâm đắc, anh vui sướng muốn được chia sẻ ngay với vợ. Anh đọc cho chị nghe và định sẽ hỏi ý kiến của chị. Nhưng đọc chưa hết một trang giấy thì vợ chợt hỏi: “Không biết cái xe Santafe giờ bao nhiêu ấy nhỉ? Có khi nhà mình nên đổi cái xe Zace thôi, nó cũ quá rồi...?”. Anh ngừng đọc, thấy sao xót xa trong lòng! Hóa ra vợ anh ngồi đó để nghe anh đọc nhưng trong đầu chỉ nghĩ vẩn vơ đến xe cộ, tiền bạc mà thôi. Từ đó anh không bao giờ đọc thơ hay văn cho vợ nghe nữa.
Kể với nhà tư vấn tâm lý, anh Bảo chua chát: “Hóa ra điều đáng sợ không phải là sự xa cách mà là sự vô tâm. Thà làm vợ chồng Ngâu mà thương nhớ nhau còn sướng hơn nằm bên nhau mà lòng giá lạnh”.
Cô độc vì đâu?
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ những người đàn ông độc thân mới cô đơn nhưng theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, hoàn toàn không phải vậy. Thời gian gần đây nhiều người đàn ông gọi điện đến Trung tâm tư vấn Linh Tâm phàn nàn về sự không thấu hiểu của các bà vợ, về cảm giác cô độc khi trở về nhà mỗi ngày.
Nhiều người trong họ, cả một đời say sưa kiếm tiền, thành đạt bằng mọi giá. Đến khi đạt được mọi thứ rồi, họ quay về gia đình để hưởng thụ cuộc sống bình yên thì mới “vỡ” ra rằng, tổ ấm của mình chẳng ấm áp chút nào. Muốn được ăn một bữa cơm do vợ tự tay nấu còn khó hơn cả việc “dời núi Thái Sơn”, muốn được vợ cùng san sẻ niềm vui nỗi buồn thì lại diễn ra cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”.
Theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, đây là một trong những hiện tượng tâm lý đáng lo ngại bởi đàn ông thường ít khi chấp nhận sự cô đơn. Nếu gia đình không mang lại cho họ niềm vui, các bà vợ không sẵn sàng sẻ chia, thậm chí không chăm chút gia đình dù họ có thành đạt đến đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Lúc đó nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình là điều khó tránh khỏi. Cha ông ta vẫn thường bảo “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” là vì vậy.
Ngoài nguyên nhân từ các bà vợ thì chính các ông chồng cũng phải “tự vấn” lại! Nhiều người do quá mải mê lo sự nghiệp nên bẵng đi cả một thời gian dài không quan tâm gì đến gia đình, vợ con. Đến khi quay về thì mọi tình cảm của vợ con đã nguội lạnh.
Do vậy, theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, đề phòng cảnh “phải cô độc khi đã toan về già”, các ông chồng nên cân nhắc giữa sự nghiệp và gia đình. Đừng vì quá mải mê với sự nghiệp mà quên mất rằng, ở nhà đang có một trái tim mong ngóng, chờ đợi họ. Đừng để khi nó giá lạnh mới quay về thì rất khó cứu vãn.