Ảnh minh họa
Có nhiều gia đình nhờ sự đổi thay ấy mà trở nên "trong ấm ngoài êm". Bên cạnh đó cũng có trường hợp đem lại cho những đức ông nhiều ẩn khuất không biết bày tỏ cùng ai.
Thật vậy! Có nhiều người chồng có địa vị xã hội muốn giữ thể diện cho mình nên đã "ngậm đắng nuốt cay" trước sự lấn lướt của vợ. Trường hợp thầy T.V. N - hiệu trưởng một trường THPT có tiếng ở Đà Nẵng là điển hình. Thầy được mọi người yêu mến và kính trọng vì đức độ. Vì thế, để khỏi đánh mất hình ảnh của mình trước mặt mọi người, thầy luôn nín nhịn vợ. Có lần vợ bảo thầy phải tiếp nhận một đứa cháu vào học ở trường vì nó vừa bị buộc thôi học ở trường khác bởi những hành vi bạo lực học đường. Thầy không nhận và thế là bị vợ chì chiết nặng nề. Thầy nhẹ nhàng giải thích, vợ không nghe, thậm chí càng có những lời nói, hành vi quá quắc nhưng thầy vẫn bấm bụng mà chịu. Vì thầy ngại, cho rằng mình to tiếng với vợ, người ngoài nghĩ mình là hiệu trưởng của một trường có tiếng mà cư xử kém văn hóa.
Một trường hợp khác là anh N.Đ.D, cán bộ phụ trách văn hóa quận Thanh Khê. Vợ nhờ anh cấp giấy phép kinh doanh quán internet cho cô em gái. Vì quán cách trường học chưa quá 150 m nên anh từ chối (vì qui định quán internet phải xa trường học 200 m trở lên). Thế là sóng gió nổi lên. Anh từ tốn giải thích chị vẫn không nghe. Hễ tới bữa ăn thì chị đem chuyện ấy ra trách cứ, chì chiết. Ăn miếng cơm như nuốt cục đắng trong miệng. Anh cắn răng chịu đựng vì là cán bộ mà là cán bộ văn hóa thì phải làm gương trong sinh hoạt gia đình.
Nhịn mà đau là vậy đó! Còn rất nhiều, rất nhiều… tình cảnh đáng thương của những ông chồng có chức sắc khi gặp phải những người vợ như vậy. Câu nói "Một sự nhịn, chín sự lành" đâu dễ gì có được. Thiết nghĩ những người vợ cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, giá trị của người chồng trong gia đình, nhất là trong xã hội và đặc biệt phải biết yêu thương tôn trọng chồng, đừng gây khó cho chồng khi chồng làm đúng, đừng để người "đầu ấp, tay gối" của mình phải luôn sống trong tình cảnh "nhịn mà đau", xót lắm vợ ơi!