Theo kinh nghiệm của người dân quê tôi, đây là thời điểm cua bò ra khỏi hang khá nhiều để tìm thức ăn và tìm tới nơi có rãnh nước ngâm mình.
Mấy chục năm rồi, cơn mưa nào ba cũng không thể dứt bỏ nổi đam mê thả lờ bắt cá, bắt cua.
Xế chiều, từ đồng về, chân tay còn bám đầy bùn, ba bảo: “Chỉ được dăm con cua, má mày nấu nồi bánh canh cho ấm bụng".
Xưa, mỗi lần trời làm mưa là ba bắt được nhiều cua lắm. Hồi đó, tôi thường theo ba men khắp các bờ ruộng, quan sát hai bên bờ cứ bắt gặp hang nào là dùng chiếc móc sắt đưa vào. Khi đầu chiếc móc sắt chạm vào thân cua phát ra tiếng lạo xạo liền nhanh tay nhẹ nhàng xoay móc sao cho trúng phần mình con cua để lôi nó ra khỏi hang. Chỉ độ hai, ba giờ đã có một giỏ cua đầy.
Cua ngoài đồng bắt về, má để sẵn trong trong lu, cứ thế luân phiên mang ra chế biến làm món chủ công như rang muối, um, xào... Trong các món ăn dân dã, ba con tôi thích nhất là bánh canh cua đồng của má bởi tô bánh canh tuy đơn giản nhưng rất đẹp mắt và ngon miệng. Màu trắng của sợi bánh, màu xanh của hành lá, rau răm, màu gạch cua... cùng với vị thơm, ngọt, béo nhẹ nhàng lan tỏa nơi đầu lưỡi khiến con người ta dường như quên hết mọi mệt mỏi, âu lo đời thường…
Nguyên liệu chính làm nên những sợi bánh canh thơm ngon, mềm mại chỉ đơn giản là bột gạo. Má chọn bằng được loại bột gạo xay từ gạo mùa lúa mới. Trộn bột gạo với một ít bột năng cho thật đều, thêm xíu muối. Từ từ đổ nước sôi chín già vào, dùng thìa gỗ quấy đều bột, cứ thế liên tục cho đến khi hỗn hợp bột đặc lại. Tiếp tục nhồi bột đến độ mịn và dẻo vừa phải. Lúc bấy giờ, má mới đắp bột quanh một cái chai rồi cán mỏng thành những sợi bánh vuông, dài. Bắt một nồi nước sôi, cho bánh canh vào luộc, khi bánh canh nổi lên thì vớt ra, trụng qua nước lọc, để ráo.
Luộc bánh canh để ráo sau khi đã cán bột thành những sợi mỏng và dài
Điều đặc biệt hấp dẫn người ăn từ tô bánh canh là nước nhưn - thứ nước được chế biến từ những con cua, vài miếng xương heo tươi nguyên. Vì thế mà mùi vị của nồi nhưn trở nên ngọt lịm.
Xương heo má chặt vừa ăn, rửa sạch với nước lạnh pha muối, để ráo. Đun sôi nước, cho xương vào nồi hầm lửa liu riu, vớt bọt, thêm ít hành tím thái nhỏ để nước dùng được thơm.
Cua chọn loại cua đồng đực có yếm nhọn sẽ nhiều thịt và cua cái có yếm bông sẽ nhiều gạch. Nếu có được vài chú tôm đất thì nồi bánh canh lại càng ngon.
Làm sạch cua, bẻ hai càng và các chân, bóc yếm ra, lấy thịt và bỏ phần màu xám không ăn được ở bên trong. Dùng tăm khều phần gạch ở mai cua, bẻ mình cua thành những miếng vừa ăn.
Tôm chọn loại to bằng ngón tay, còn nhảy lách tách bóc vỏ, cắt bỏ đuôi, rút chỉ đen trên lưng cho sạch. Làm nóng dầu trên chảo, cho hành vào phi thơm rồi xào thịt cua, tôm. Nem nước mắm, đường, bột ngọt rồi mới thả cà chua, thơm vào.
Xào thịt cua đồng cho thấm thía, đậm vị.
Đổ hỗn hợp cua, tôm… vào nước thịt để tạo nên nồi nhưn thơm lừng, hấp dẫn
Xương chín, trút hỗn hợp cua, tôm vào nồi nước thịt. Nêm muối, đường cho vừa ăn, ninh thêm chừng mười lăm phút nữa để nước ngọt hơn. Trong quá trình ninh, má thường xuyên vớt bỏ bọt để nồi nhưn trông ngon hơn.
Trước khi ăn, xếp bánh canh vào bát và chan nước nhưn. Ăn bánh canh đúng điệu phải có thêm một ít rau húng, hành lá hoặc ngò.
Bánh canh cua đồng nóng hổi có mùi vị rất riêng, không thể lẫn với bất kỳ loại bánh canh nào.
Tô bánh canh cua đồng nóng hổi, ngon miệng lại đẹp mắt.
Bây giờ, nhiều người bước chân ra chợ là có thể mua ngay được cua, song đó chỉ là loại cua nuôi theo kiểu công nghiệp, ăn không ngon.
Bánh canh cua đồng má nấu ngon không chỉ ở cái hoang dã tự nhiên mà còn chứa trong đó hương vị thân quen của đất, của ruộng đồng quê hương và cả nỗi cơ cực của ba, của má trong mỗi ngày mưa
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ
.