Bình bát thường mọc ven sông. Ảnh minh họa
Nhà tôi cạnh con sông, nơi có hàng bình bát mọc dài theo mé nước. Thời ấy, với chúng tôi, bình bát là thứ trái cây để ăn vặt trong những ngày thơ ấu. Mà thời đó, chúng tôi có gì ăn đâu ngoài mấy trái bình bát, ổi sẻ hay mớ trái chùm ruột chua lè chua lét…
Bình bát là cây thân gỗ, cao vài thước, có bông màu vàng nhạt, cánh hình trái tim. Trái bình bát tròn, da láng khi còn sống có màu xanh và khi chín trái có màu vàng với mùi thơm đặc trưng.
Tôi còn nhớ vào mùa nước nổi cũng là mùa bình bát chín rộ. Sau những buổi học, mấy anh em tôi xách cần câu ra mé sông câu cá. Nói là câu cá chứ thực chất chúng tôi đi lục lọi mấy trái bình bát chín bên sông, thấy trái nào hườm hườm là tranh thủ hái. Bởi nếu không hái thì mấy đứa nhóc trong xóm cũng sẽ giành mất phần.
Mấy trái bình bát hái về được tôi cẩn thận đem về ủ trong lu gạo. Sáng sáng, trước giờ đi học, tôi tranh thủ chạy xuống bếp giở lu gạo ra thăm chừng, xem có trái nào chín. Tôi thích nhất là được ngửi mùi thơm của bình bát khi giở lu gạo ra và hít lấy hương thơm nhẹ nhàng một cách khoan khoái. Những trái nào chín tới, tôi lấy ra ngoài để khi đi học về ăn. Bình bát chín có lúc chúng tôi ăn ngay, lúc thì "sang chảnh" hơn, tôi xin tiền má, chạy ra tiệm tạp hóa của dì Bảy đầu xóm mua đường và ít nước đá. Vậy là mấy chị em tôi đã có món bình bát dầm đá đường ngon không thể tưởng. Vui nhất là khi ăn, chị tôi hay đùa: "Ăn trái này giống như cọp ăn bù mắt" bởi trái bình bát cơm rất mỏng, lại nhiều hạt và khi ăn phải chịu khó lừa từng hạt mới có được phần cơm mỏng ấy.
Bình bát dầm đá đường. Ảnh minh họa
Có hôm chúng tôi đi săn bắn, ngang qua những cánh đồng, thấy mấy cây bình bát mọc hoang, trái chín rụng đầy gốc. Chúng tôi lượm ngay trái chín và "xử" tại chỗ. Đang mệt mà được ăn trái bình bát thơm lừng khiến chúng tôi như tỉnh hẳn bởi cái vị ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Thời đó, ngoài là thứ trái cây ăn vặt, bình bát còn là vị thuốc để chúng tôi trị chí trên đầu. Thường hạt bình bát sau khi ăn xong, má tôi phơi khô để dành, sau đó giã ra nấu với nước cho chúng tôi gội đầu. Nhờ bài thuốc của má mà chúng tôi hết ngứa ngáy trong khi đám bạn bè tôi đứa nào cũng có chí trên đầu.
Giờ đây, quê tôi đã đô thị và hàng bình bát năm xưa cũng không còn. Thỉnh thoảng về quê, có dịp đi chợ tôi chợt gặp lại rổ bình bát quen thuộc ngày nào khi vài người mang chúng ra chợ bán. Nhìn những trái chín vàng ươm, tuổi thơ của tôi chợt ùa về. Tôi chợt nhớ câu thơ mà tôi từng nghe được: "Xa quê vẫn nhớ quê nhà; nhớ trái bình bát đậm đà ngọt ngon".