Có chồng chưa? Chồng con sao rồi? Lương tháng bao nhiêu? Năm nay làm ăn được không? Mua nhà cửa chưa?... là loạt câu hỏi "kinh điển" mà gần như ai ở xa về quê ăn tết cũng phải nghe, không ít thì nhiều.
Trước những câu hỏi ấy, nhiều người bực bội lắm, nhưng không biết phản ứng sao đỡ mất lòng người hỏi vì toàn bà con họ hàng, hàng xóm...
Tuy nhiên, nghĩ kỹ thì phần lớn họ hỏi như một thói quen chứ không ác ý gì nên có lẽ nên... thôi kệ, cho hai bên nhẹ lòng
Ngày xuân, cứ nghĩ nhẹ nhàng cho mọi chuyện - Ảnh minh họa: Reuter
Thanh, một anh bạn khác của tôi, 45 tuổi còn độc thân khác, năm nào về Đà Nẵng ăn tết cũng bị hỏi chừng nào lấy vợ. Khi anh bảo chưa có ý định thì lập tức được giảng ngay một bài dài nào là lấy vợ đẻ con đi để về già có chỗ nương nhờ, cháu không bằng con được, nào là có vợ bên cạnh chia sớt vui buồn vẫn vui hơn sống một mình...
Có người còn vô duyên đến mức hỏi rồi tự trả lời luôn: 45 tuổi chắc "qua phà" luôn rồi chứ vợ con gì nữa.
Hoàng và Xuân, cặp vợ chồng cạnh nhà tôi ở quê cưới nhau năm năm chưa có con, về quê y như rằng gặp ngay câu hỏi: Có tin vui chưa? Chưa có con hả? Lâu con á chớ... Cặp này bao phen ngượng ngùng vì người quen cứ vô tư hỏi mà không biết rằng vì nhiều lý do cả hai đều không muốn có con nên mới đến với nhau.
Anh trai tôi có năm định ở lại Sài Gòn ăn tết nhưng cận ngày nghĩ sao lại muốn về quê nên vợ chồng con cái chất nhau lên xe hơi lên đường. Mới đến cổng nhà, hàng xóm đã đon đả: Hà về ăn tết hả con? Mới mua xe à? Xe nhiêu tiền mà đẹp dữ bây? Ông anh chở cả nhà hơn 400 cây số không mệt bằng nghe hàng xóm mỗi người ríu rít hỏi vài câu.
Nếu có "một ngàn lẻ tám câu hỏi hết hồn" bay ra từ miệng những người quen thì tôi và bạn bè của mình phải nghĩ trong đầu "một ngàn lẻ tám" cách ứng phó sao cho nghiêm túc mà vẫn giữ được không khí vui vẻ, nhức hết cả đầu. Không phải chỉ những người lớn tuổi, thế hệ "cổ xưa", mới hay hỏi như vậy, mà ngay cả bạn bè trang lứa mỗi lần gặp lại cũng không ít người vẫn cứ hỏi rất hồn nhiên.
Mai, bạn tôi làm ở một công ty tư vấn du học, trong lần họp lớp năm ngoái nghe bạn hỏi sao không lấy chồng, cô nàng tỉnh bơ trả lời rất "bệnh nghề nghiệp": "Sẵn tụi bây ở đây tao nói luôn một lần nè, lần sau đừng hỏi nữa nha, tao không lấy chồng không đẻ con, được chưa. Tụi bây cũng đừng hỏi tao phải có con để mai mốt già nó nuôi mình nha, tao tính rồi, nuôi một đứa con từ nhỏ tới khi đi học xong bèo lắm cũng hết 3 tỷ, nhiêu đó tao đủ nuôi tao tới già". Từ đó, Mai yên thân.
Thanh, anh bạn người Đà Nẵng nói trên, chọn cách nhân lúc họ hàng đến nhà chúc tết đã nhã nhặn nói: "Con không nghĩ cưới vợ mới hạnh phúc và có hiếu. Con có cách báo hiếu ông bà, cha mẹ của con. Vậy nên khi nào có vợ con sẽ lập tức báo, cô chú hỏi miết năm nào con cũng trả lời nhiêu đó". Cách đó đã phát huy tác dụng.
Viết thì thấy có vẻ căng thẳng, nhưng sự thật là họ đều kể nhẹ nhõm, như một câu chuyện cười. Nghĩ kỹ thì hầu hết người ta hỏi như một thói quen, không ác ý, chỉ vì cách suy nghĩ khác nhau nên đôi khi câu hỏi trở nên thiếu tế nhị. Vậy nên, không khó ứng phó và cũng đừng nghĩ rằng mình sống ở thành phố văn minh không ai hỏi vậy mà bực bội với họ.
Thật ra, phần nhiều câu hỏi mang chức năng chào hỏi hay chuyện trò nhiều hơn là chờ đợi câu trả lời. Người ta ở quê quen nồng nhiệt, thấy con cháu, chòm xóm thì bắt chuyện. Để kéo dài câu chuyện, họ chỉ biết hỏi han kiểu vậy chứ lâu ngày mới gặp đâu biết nói với nhau chuyện gì.
Vì nghĩ thế nên tôi ít khó chịu khi bị hỏi kiểu vậy. Ai hỏi tôi sao không lấy chồng, tôi cười: "Lấy chồng vui không? Cô/chú phải đảm bảo trăm phần trăm vui cho con thì con mới lấy nha chớ không con bắt đền".
Ai hỏi tôi lương, tôi lại cười: "Thấy con phè phởn là biết đủ ăn rồi. Chừng nào thiếu tiền con mượn, cô/chú chuẩn bị giùm con nha...". Dĩ nhiên, có người dừng lại, có người "tấn công" tiếp: "Đủ ăn là bao nhiêu chớ, 15 triệu không, 20 triệu không?", tôi kệ, chỉ cười.
Lời nói bật ra từ miệng người khác, ta không thể cản nổi, vậy thì dại gì bực bội hoài với "series" câu hỏi ấy. Cứ cười cười hay phớt lờ, mặc kệ thôi chứ ta chống trả dữ dội quá sẽ đẩy người hỏi đến chỗ lúng túng, ngượng ngùng hoặc áy náy cũng mất hay.