Chú Ti Vi ơi,
Từ ngày hết cách ly xã hội vì dịch COVID-19, nhà cháu chuyển sang tình trạng "bình thường mới", nhưng rất đáng lo ngại chú ạ!
Mẹ cháu đang là giáo viên, trong thời gian nghỉ dạy vì cách ly, mẹ sang phụ dì cháu bán hàng online. Mẹ cháu dạy văn nên ăn nói lưu loát, có duyên… Giờ mẹ cháu hay xuất hiện rao bán hàng trên mạng, người mua rất thích. Dì cháu chỉ lo nhập hàng, xuất hàng.
Còn bố cháu là lái xe cho một công ty du lịch, giờ ít việc lắm, thỉnh thoảng chủ mới kêu đi xa. Bố cháu hay ở nhà, cũng sang phụ việc cho nhà dì, nhưng bố cháu buồn lắm.
Mẹ cháu từ ngày chuyển sang buôn bán tự nhiên đổi tính, rất vui với khách hàng nhưng về nhà hay nạt bố cháu, cáu với con cái. Mẹ cháu dữ hơn trước. Chắc là mẹ cháu làm việc mệt quá.
Gia đình cháu giờ cũng ít ăn với nhau, đi chơi cũng ít luôn. Bố cháu đi nhậu nhiều hơn, rồi bị mẹ cháu la nhiều hơn.
Mẹ có tiền nhiều hơn nên mua thức ăn, mua quà cho cháu nhiều hơn, nhưng gia đình không vui gì hết.
Chú bảo cháu nên làm sao? Cháu học lớp 10, cũng lớn rồi… Thấy bố mẹ không vui, cháu buồn quá.
Cháu Lệ Chi
Ảnh minh họa
Lệ Chi thân mến,
Người ta nói "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Gia đình nào cũng có "chuyện" của nó. Mỗi giai đoạn lại có một chuyện khác nhau. Duy trì một gia đình không khác gì đi biển, là tìm cách vượt qua những cơn sóng lớn, nghỉ một tí rồi lại đợi những cơn sóng khác. Có những gia đình không vượt qua được thì tan. Đó là chuyện buồn nhưng rồi ta cũng phải tập coi nó là bình thường.
Chú nhận được thư của Lệ Chi đã mấy ngày mà thấy thật khó trả lời. Niềm vui của mẹ cháu là một niềm vui rất chính đáng: tìm được nơi để phát huy hết sự duyên dáng của mình mà lại có tiền một cách lương thiện. Giữa lúc nhiều người bế tắc vì Covid-19, mẹ cháu lại tìm được lối ra, một hướng đi mới…
Trong khi đó, đọc thư cháu, chú có cảm giác cả nhà cháu không vui với điều ấy, đặc biệt là bố cháu. Quả thực chúng ta ai cũng thích có một gia đình ổn định về mọi mặt: sức khỏe, tiền bạc, tính cách các thành viên. Sự thay đổi và hướng ngoại của mẹ cháu đã đe dọa sự ổn định của gia đình cháu. Bố cháu có lẽ buồn vì thế, nhiều hơn là nỗi buồn do ít việc ở công ty. Là đàn ông với nhau, chú nghĩ có thể thông cảm được. Nhưng quay lại với câu hỏi của cháu, chẳng lẽ chúng ta đành chấp nhận thực tại đó à? Phải làm gì đi chứ!
Lệ Chi thân mến,
Trong một gia đình thường các ông bố rất thương và nghe lời con gái. Đây là lúc cháu phải thân thiết với bố hơn, hiểu được bố mình có những cái buồn, cái tự ái không nói ra được do sĩ diện đàn ông.
Bố ở nhà nhiều hơn à? Hãy giao việc gì đấy cho bố - những việc gì đó nho nhỏ cũng được, nhưng để bố biết mình đang làm cho con gái. Bố nhậu nhiều hơn à? Cháu hãy nói riêng với bố rằng bố nhậu thế làm cháu lo; lo cho sức khỏe của bố, lo cho tương lai của mình sau này, đến khi lập gia đình rồi cũng sẽ có một ông chồng chuyên nhậu nhẹt mà không nói được vì nhìn quanh không có ai để lấy ra làm gương. Chú tin rằng nghe đến chuyện ấy, bố cháu sẽ bớt nhậu lại.
Với mẹ cháu, có lẽ nên nhắc mẹ "vui thôi, đừng vui quá". Và vì cháu là con gái nên cần chọn một hình thức nào bớt "đối đầu" với mẹ. Đó có thể là viết thư để mẹ đọc một mình khi không có cháu ở nhà. Nhớ là phải công bằng, khen mẹ duyên dáng khi bán hàng, mừng cho mẹ có việc làm vui, nhưng nhắc mẹ rằng bố đang bị tụt lại, rằng nhà mình đang hơi thiếu mẹ và nhớ mẹ những ngày trước Covid-19.
Cháu là đứa con trong nhà, như miếng thịt kẹp giữa hai lát bánh của một chiếc burger, là em bé giao liên chịu khó tỉ tê một chút mà kết lại được hai đầu đang dọa tách ra của một gia đình. Hãy coi đó là bổn phận và cũng là một thách thức rất hay. Rồi người lớn sẽ điều chỉnh vì con cái đã hiểu cho mình lúc mình có những thay đổi, chệch choạc.
Chúc cháu thành công trong việc "hàn gắn" này. Chúc gia đình cháu sẽ hiểu hơn ý nghĩa của ba chữ "bình thường mới" mà cháu nói ở đầu thư.