Thu Anh và Tuấn Hải đã yêu nhau được hơn 5 năm. Năm 2021, đôi uyên ương này định tổ chức đám cưới vào đầu tháng 9 nhưng do dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, đám cưới của họ bị lùi lại gần hai tháng.
Đến khi cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường mới, cặp đôi này mới có thể tổ chức đám cưới, nhưng nó khác xa với những gì mà hai gia đình tưởng tượng trước đó.
Ngày chung đôi của Thu Anh và Tuấn Hải chỉ là một bữa tiệc nhỏ, có sự góp mặt của ba má hai bên, họ hàng ruột thịt và vài ba người bạn, tổng cộng hơn 30 người. Người lớn hai bên gia đình thương cho đôi trẻ vì phải tổ chức đám cưới mùa dịch, không linh đình, náo nhiệt như người khác. Thế nhưng, đây mới là đám cưới mà cả hai mong muốn từ lâu.
Thu Anh và Tuấn Hải từng có thời gian du học ở Mỹ, họ rất thích phong cách tiệc cưới đơn giản của người phương Tây. Một đám cưới chỉ có khoảng 20-40 khách, gồm cha mẹ, một số họ hàng và bạn bè thân thiết của đôi uyên ương. Phần lễ và phần tiệc chỉ gói gọn trong một ngày, có đôi còn đơn giản hơn, chỉ từ chiều, tới tối là xong.
Đám cưới đơn giản, chỉ có sự góp mặt của người thân trong gia đình là lựa chọn duy nhất mùa dịch (Hình minh họa)
Thu Anh không mấy mặn mà với những đám cưới theo phong cách truyền thống, cùng lễ nghi rườm rà, lượng khách mời khá đông, có khi lên tới vài trăm người. Có những người là họ hàng xa, cô không nhớ mặt, biết tên, nhưng vì quan hệ họ tộc, ba má vẫn phải mời.
Cô dâu lại mới chuyển tới làm ở công ty hiện tại được vài tháng, quan hệ với đồng nghiệp chưa được thân thiết cho lắm. Nếu là thời điểm trước dịch bệnh, cô vẫn phải mời đồng nghiệp tới dự đám cưới, nhưng trong tình hình dịch bệnh không thể tập trung đông người, Thu Anh chỉ báo hỷ trên mạng xã hội và nhận lời chúc mừng từ đồng nghiệp.
Đám cưới của Trà Giang và Quốc Khánh cũng bị hoãn đi hoãn lại tới mấy lần, vì cứ chọn được "ngày đẹp" thì lại vướng dịch. Năm ngoái, Trà Giang mang bầu, họ quyết định đăng ký kết hôn, sau đó về nhà làm lễ gia tiên, còn tiệc cưới thì để sau. Cách đây vài ngày, khi tình hình dịch bệnh đỡ căng thẳng, cặp đôi đã có một đám cưới nhỏ ấm áp với một "vị khách" đặc biệt, đó là cậu con trai 6 tháng tuổi dễ thương.
Dù đám cưới giản dị ấm cúng, hay đông đúc, cầu kỳ, hạnh phúc của cô dâu chú rể mới là điều quan trọng (Hình minh họa)
"Cưới cả trâu lẫn nghé" không còn là chuyện hiếm trong mùa dịch. Ngọc Phương đã mang bầu được hơn 7 tháng, cô và bạn trai muốn một đám cưới đơn giản, chỉ có sự góp mặt của ông bà, cha mẹ và anh chị hai bên gia đình là đủ. Nhưng vì tình hình dịch bệnh ở quê Ngọc Phương đã tạm ổn, ba mẹ cô vẫn muốn tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mời họ hàng.
Khi cô bày tỏ mong muốn được tổ chức một đám cưới đơn giản, chỉ có người thân trong gia đình, ba má cô phản đối ngay. Mẹ Ngọc Phương cho rằng cả đời chỉ cưới có một lần, nếu làm quá sơ sài sẽ bị mọi người chê cười. Do thời gian chuẩn bị quá gấp rút, nên cô dâu chú rể đều thấy rất mệt mỏi, đặc biệt là đối với mẹ bầu đang ở ba tháng cuối thai kỳ như Ngọc Phương.
Là một người cầu toàn lại ưa thích sự náo nhiệt, đông vui nên Cẩm Tú đã lên một kịch bản chi tiết cho đám cưới của mình. Cô muốn tổ chức đám cưới ngoài trời, mời nhiều bạn bè tới dự. Nhưng rồi COVID-19 ập tới, phá tan tất cả kế hoạch của cô dâu mơ mộng này. Do ba của bạn trai vừa phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, nên gia đình Chí Dũng muốn anh và Cẩm Tú kết hôn càng sớm càng tốt. Trong hoàn cảnh dịch bệnh thế này, đám cưới đơn giản là lựa chọn duy nhất.
Đối với những người thích sự giản dị, ấm cúng thì đợt dịch này đã cho họ cơ hội để tổ chức những đám cưới đơn giản, không bày vẽ cỗ bàn rườm rà. Nhưng với người ham vui, thích náo nhiệt, tổ chức hôn lễ vào thời điểm này đúng là thiệt thòi. Các đôi uyên ương cần nhớ, đám cưới chỉ là hình thức, là nghi lễ để minh chứng cho tình yêu của các bạn đã bước vào một giai đoạn mới. Điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm của đôi bên và những lời chúc phúc của người thân.