Ảnh minh họa
Tôi còn nhớ một chi tiết đắt giá trong bộ phim do nữ diễn viên Julia Roberts thủ vai chính. Trong phim, cô vào vai một thợ chụp ảnh chân dung. Trong lần làm việc với một nhà văn cô chưa từng quen biết, cảm xúc của 2 con người có tâm hồn đồng điệu đã khiến họ cuốn vào một nụ hôn kỳ lạ.
Cảm xúc bất chợt ấy mặc dù không dẫn đến những gắn bó xác thịt gần gũi hơn nhưng kể từ đó, giữa họ có một mối liên kết đặc biệt, khó gọi tên.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như anh chàng nhà văn đang không chung sống với người tình. Anh và cô người tình cũng có một tình yêu không thể phủ nhận. Giữa họ cũng có những bù trừ và thu hút nhau mãnh liệt. Tuy nhiên, sau nụ hôn giữa 2 kẻ lạ ấy, tình cảm của chàng nhà văn và cô thợ ảnh ngày càng âm thầm nảy nở.
Người tình của anh nhà văn không biết gì về mối quan hệ này cho đến khi cô được chính anh giới thiệu tới chụp ảnh ở đây.
Tất nhiên, cô phát hiện ra mối quan hệ giữa người mà mình chung sống suốt nhiều năm với nữ thợ ảnh không phải vì cặp đôi lại bất chợt hôn nhau một lần nữa.
Chỉ nhờ quan sát đoạn hội thoại rất ngắn và có vẻ rất trong sáng giữa 2 người, bằng sự tinh tế của mình, cô nhận ra nữ thợ ảnh là người phụ nữ đã choán lấy trái tim người yêu mình thời gian qua.
Không thể hiện bất cứ thái độ giận dữ nào với tình địch, nhưng vào một khoảnh khắc giữa buổi chụp hình chỉ có 2 người phụ nữ, cô đã rơi những giọt nước mắt.
Đó chính là giọt nước mắt của ghen tuông, của đau khổ khi một người phụ nữ phát hiện ra chồng mình đã có cảm xúc với một người phụ nữ khác. Tôi cho rằng, đạo diễn của bộ phim đã rất xuất sắc khi lấy giọt nước mắt của người phụ nữ bị tổn thương để ẩn chứa trong đó nhiều thứ. Đó là sự tôn trọng của cô dành cho người tình, cho bản thân cô và cho chính tình yêu của họ.
Một người phụ nữ sẽ rơi vào những cảm xúc gì khi bị phản bội? Như bất cứ con người bình thường nào khác, cô ấy có thể đau khổ, tức giận, tuyệt vọng, thậm chí là hận thù. Nhưng phụ nữ nên làm gì khi bị phản bội?
Chẳng có gì sáng suốt hơn là rút chân ra khỏi mối quan hệ đó, nếu tình cảm không còn đến từ cả hai phía.
Cư dân mạng Việt Nam không còn lạ lẫm gì với những màn đánh ghen làm tắc nghẽn cả một con phố, gây xôn xao dư luận đến cả mấy ngày sau. Hình ảnh những người phụ nữ xộc xệch áo quần lao tới giật tóc, xé quần áo, đánh túi bụi vào cô "bồ" ngay lập tức được chia sẻ khắp nơi. Người thì đồng cảm, người thì chế giễu, dè bỉu.
Liệu những người phụ nữ đánh ghen này có còn coi người đàn ông của mình là một nửa trong mối quan hệ cần nhất sự tự nguyện, không gượng ép? Hay họ chỉ coi những người đàn ông ấy là một thứ tài sản mình cần phải giữ cho đứa con, cho danh dự đàn bà của mình?
Rồi nếu có giữ được chồng, được cha cho con mình, liệu các chị có giữ được trái tim người đàn ông, và hơn hết là sự tôn trọng dành cho nhau? Sau tất cả, những cay đắng, hận thù lại quay trở lại làm tổn thương người phụ nữ nhiều nhất.
Người tình của nhà văn nói trên cũng là một người phụ nữ yêu cuồng nhiệt và kỳ vọng rất lớn về sự sâu sắc trong mối quan hệ của họ. Nhưng khi phát hiện ra bạn đời của mình đang dành tình cảm cho một người phụ nữ khác, cô đã im lặng chờ đợi xem mối quan hệ đó diễn tiến đến đâu, xem liệu rằng tình yêu của họ có còn cơ hội để đi tiếp. Nhưng tuyệt nhiên cô không có hành động nào thoá mạ nữ thợ ảnh hay người tình. Bởi vì cô tôn trọng cảm xúc của họ và của chính mình.
Cuối bộ phim, mặc dù anh nhà văn và cô thợ ảnh không đến được với nhau, nhưng cô người tình vẫn chọn rời xa người đàn ông của mình. Bởi vì họ không còn hoà hợp với nhau được nữa. Cô rời bỏ bởi vì cô không coi anh là một thứ tài sản mà người khác không dùng tới thì sẽ thuộc về mình.