Tháng 10/2021, một cô hoa hậu bị Công an TP.HCM tạm giam để điều tra hành vi trộm đồng hồ bạc tỷ. Tuy nhiên các bình luận quanh vụ việc lại tập trung vào ngoại hình: "Hoa hậu sao mặt xấu quá".
Vậy, người ta đứng trên điều gì để bình phẩm ngoại hình của một cô hoa hậu, một diễn viên, ca sĩ của giới showbiz hay một người phụ nữ bình thường?
Áp lực ngoại hình
Thời nay, đàn ông cũng ý thức làm đẹp. Các cô gái trong chương trình truyền hình "Bạn muốn hẹn hò" không thích đàn ông hói, răng hô, hôi hám, bụng bự… Tuy nhiên, nếu anh ta có ý chí tự lập, kinh tế ổn định, biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình… thì ngoại hình dễ được cô gái bỏ qua và chấp nhận hẹn hò. Trong cuộc sống hôn nhân, áp lực luôn phải giữ cho ngoại hình trẻ đẹp ở đàn ông cũng ít hơn ở phụ nữ.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTRSTOCK
Trên mạng xã hội, rất dễ thấy những quảng cáo mỹ phẩm, đồ ngủ, viên uống dưỡng nhan, thẩm mỹ viện: "Chị nào chồng bỏ chồng chê/ Xài vô một cái chồng mê tới già". Dù thật vô lý khi tình nghĩa vợ chồng chỉ tùy thuộc vào "lớp vỏ" lung linh hay thô ráp của bạn đời, nhưng những lời khuyến dụ ấy lặp đi lặp lại vô tình thôi thúc người phụ nữ phải mơn mởn bằng mọi giá, bất kể bản thân có thực sự khát khao điều đó so với những nhu cầu khác không hay nôn nóng làm đẹp giữ chồng, người vợ có phải đánh đổi tiền bạc, sức khỏe, sự an toàn…
Đôi khi, sự giàu có của người đàn ông được đem ra làm thước đo nhan sắc của người phụ nữ bên cạnh. Nếu đại gia cưới cô kém sắc, người đời thấy có gì sai sai hoặc tự giải đáp "chắc cô đó cũng giàu lắm!".
Có ông còn đúc kết: "Tính tình của vợ thì từ từ sống chung sẽ cải thiện, còn dung nhan mà xấu quá thì… bó tay". Từng có bài báo ca ngợi vẻ đẹp của một chị kiểu "đã hai con vẫn đẹp mòn con mắt, mười năm chồng chưa chê câu nào".
Ảnh mang tính minh họa
Phụ nữ tô điểm, vì ai?
Chị Huyền N. (36 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết chị ly hôn vì chồng vô tâm, trăng hoa. Còn theo trình bày của người chồng là vì "hai người bất đồng quan điểm sống". Hôn nhân là chuyện của hai người nhưng trong lời xầm xì bàn tán của họ hàng, bạn bè lại lộ diện thêm nguyên nhân thứ ba: "Chị N. nhìn già, tàn tạ; chồng thì lại trẻ trung phong độ, môi trường làm việc tiếp xúc toàn mấy em xinh tươi, nóng bỏng, vậy không chán vợ mới lạ!".
Chị N. tổn thương vì những lời cười cợt này, nhưng rồi tự lấy lại thăng bằng vì ngẫm ra đâu ai có quyền phán xét chị cũng như cuộc sống riêng tư của chị. Đã làm nhiều cách để cải thiện hôn nhân, nhưng chị vẫn không thể/không muốn bằng mọi giá biến đổi mình thành một phiên bản khác chỉ vì chiều lòng ai đó, kể cả chồng. Vì ai mà chị phải tô điểm, cắt sửa cơ thể mình nếu không là vì mình?
Mới đây, một nữ tiến sĩ nổi tiếng ở Hà Nội đăng lên tài khoản cá nhân chân dung mình với mái tóc bạc trắng và dòng status "Để được là chính mình! Chán nhuộm tóc rồi!".
Trình làng mái tóc hôm nay là cách chị thể hiện tình yêu, sự trân trọng và biết ơn đối với cơ thể. Đó cũng là cách chị loại bỏ ràng buộc, nới rộng vùng trời tự do cho bản thân. Và khi ấy, với mọi lời khen chê bên ngoài, chị đã không còn đặt nặng.
Ảnh mang tính minh họa
Một cô gái trẻ ở Bình Dương từng quen mắt với nhiều người theo dõi Facebook bởi khuôn mặt như búp bê cùng phong cách đằm thắm, "kín cổng cao tường", bỗng một ngày xuất hiện với bộ cánh gợi cảm, tươi mát lập tức vấp phải phản đối, kể cả quy kết gái ngoan - gái hư. Cô vẫn kiên định với điều mình muốn, lúc thích "bánh bèo" thì "bánh bèo", lúc chuộng quyến rũ thì quyến rũ.
Cô chia sẻ, sự thay đổi phong cách không làm biến đổi con người bên trong và ăn mặc thoải mái một chút không đồng nghĩa với lẳng lơ, buông thả. Không vì sợ sự soi mói của người ngoài mà cô phải chịu gò bó trong một khuôn mẫu nhàm chán. Với cô, đa dạng sự thể hiện cũng là cách làm cho cuộc sống thêm sắc màu, hương vị.