Một góc khuất đầy nét hoang sơ của Ba Hòn Đầm
Từ lâu, các hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đều nổi tiếng về du lịch và luôn thôi thúc mọi người tìm đến thư giãn, khám phá. Với hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ (lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là quần đảo Thổ Chu), Kiên Giang là tỉnh có nhiều quần đảo nhất miền Tây, gồm năm quần đảo: Hải Tặc (còn gọi là quần đảo Hà Tiên), An Thới, Nam Du, Thổ Chu và Bà Lụa.
"Tiểu Hạ Long phương Nam"
Trong khi Phú Quốc quá rộng lớn và nhộn nhịp, Thổ Chu quá xa không tiện đi lại, Nam Du đang dần là điểm đến thịnh hành thì Bà Lụa lại nhỏ nhắn, xinh xắn và vắng vẻ.
Khu vực quần đảo Bà Lụa gồm nhiều đảo nằm rải rác gần bờ - khoảng hơn 40 đảo trong vùng biển thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang nhưng chỉ mười đảo có cư dân sinh sống. Đảo ở đây được người dân địa phương đặt tên tùy theo hình dạng; cùng với những truyền thuyết, giai thoại như: hòn Heo, hòn Dê, hòn Ngang, hòn Đước…
Nét vắng vẻ, bình yên ở quần đảo Bà Lụa
Hòn Heo là đảo lớn nhất quần đảo Bà Lụa. Gọi là lớn nhất nhưng thật ra nó cũng chỉ có chu vi khoảng 7km và diện tích chừng 1,5km². Tên gọi hòn Heo xuất phát từ việc người Pháp ra đảo lập trại nuôi heo thử nghiệm cách đây hơn trăm năm (năm 1918) rồi từ đặc điểm ấy, người ta gọi mãi mà thành tên riêng.
Dân cư nơi đây chủ yếu tập trung trên các đảo như hòn Heo, hòn Ngang và hòn Nhum, các đảo khác chỉ có vài hộ sinh sống hoặc vẫn còn là đảo hoang. Ba Hòn Đầm (gồm hòn Đước, hòn Đầm Dương, hòn Giếng) là những hòn đảo đẹp được nhiều du khách lựa chọn nhất vì có thể dễ dàng đến bằng đường thủy.
Chính vì có nhiều đảo lớn nhỏ dài ngắn nằm gần nhau với những cự ly không đều, mặt biển lại khá êm nên quần đảo Bà Lụa thường được gọi là "vịnh Hạ Long của phương Nam". Tôi thấy ví von này cũng không quá, nhất là nếu bạn đến đây vào ngày nắng đẹp, biển êm. Khi đó, quang cảnh nơi đây trông như khung cảnh thu nhỏ của vịnh Hạ Long. Nếu đến Phú Quốc bằng máy bay, bạn cũng có thể thu vào tầm mắt trọn vẹn vẻ đẹp ấy từ trên cao.
Đi bộ từ đảo nọ qua đảo kia
Người dân địa phương lội nước từ đảo này sang đảo khác
Bãi biển Bà Lụa khá hoang sơ, tự nhiên với vô số sỏi có hình dáng, màu sắc khác nhau và ít cát. Thế nên với tôi và nhiều du khách khác, bên cạnh tắm biển, chúng tôi còn hào hứng với thú vui… lội nước.
Ở quần đảo này có nhóm Ba Hòn Đầm là những đảo đẹp, nằm ở vùng nước nông. Ba hòn đảo nằm kề nhau tạo nên một cái "đầm" giữa biển cả mênh mông, với nước êm, đáy bằng phẳng, khoảng cách giữa các đảo không xa, nước rất nông… Với những điều kiện thuận lợi đó, bạn có thể bơi từ đảo này qua đảo khác mà không cần thuyền.
Bến tàu ở Ba Hòn Đầm
Tại đây, nước triều lên chỉ đến thắt lưng người lớn còn khi nước xuống, chỉ lưng chừng bắp vế, thậm chí có lúc chỉ tới mắt cá chân. Đây là cơ hội tuyệt vời để đi bộ từ đảo này qua đảo kia như cách cư dân nơi đây vẫn làm - đi bộ băng qua biển. Còn gì vui hơn khi ra cách đất liền cả trăm mét mà mực nước vẫn chỉ xăm xắp bước chân.
Đó cũng là điểm thú vị khiến khách phương xa thích thú. Rất nhiều du khách có thể bỏ hàng giờ đồng hồ cho việc "đi dạo trên biển" ở nơi này. Cho nên, nếu bạn có kế hoạch lội nước thì chỉ việc theo dõi thủy triều hoặc nhanh nhất là hỏi thăm cư dân đảo.
Một trong những yếu tố làm nên sự độc đáo của hòn đảo này là rong biển. Nước biển cạn nên bạn có thể nhìn rõ những bụi rong đung đưa theo luồng nước hay chao lượn theo những bước chân rộn rã của du khách. Rong biển ở đây nhiều đến mức ngỡ chúng đã được bàn tay bí mật nào đó cấy rất đều như cách người ta cấy mạ trên ruộng. Chúng cọ, quấn quýt, nâng, níu dưới chân khiến bạn có cảm giác dễ chịu như được mát-xa nhẹ.
Rong ở đáy biển mơn man theo từng bước chân du khách
Nước lấp xấp bắp chân, đáy biển toàn rong dập dềnh theo nước, lũ cá bơi theo từng đàn khi tụm khi dạt trước mỗi bước chân qua khiến tôi cứ muốn lội tới lội lui trên biển mãi không thôi.
Dưới đáy biển là vậy, còn trên các đảo của quần đảo Bà Lụa, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cây thuốc nam quý hiếm. Điều này có lẽ sẽ mang đến niềm vui với những ai quan tâm, am hiểu về lĩnh vực cây cỏ làm thuốc.
Tôi thì không rành lắm nên hẹn quay lại chốn này khi đã am hiểu nhiều hơn và dĩ nhiên, để tiếp tục được đi bộ trên biển, hít thở mùi biển mặn mòi giữa thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng cảm giác thú vị khi lớp lớp rong biển mơn man theo mỗi bước chân mình.
Từ TPHCM đến quần đảo Bà Lụa khoảng 350km, đi xe mất 8-9 tiếng. Lý tưởng nhất là bạn lên xe vào khoảng 9 giờ tối thứ Sáu, tầm 6-7g sáng thứ Bảy đến nơi. Bến xe Miền Tây tuyến TPHCM đi Rạch Giá, Hà Tiên có rất nhiều xe.
Bạn xuống xe tại Ba Hòn cách Hà Tiên khoảng 30km, sau đó bắt xe ôm hoặc taxi tới bến tàu Tiến Triển Bình An, xã Bình An, huyện Kiên Lương. Từ đây, bạn mua vé tàu tham quan quần đảo Bà Lụa.
Nếu đi bằng xe máy, bạn đi theo Quốc lộ 1 qua cầu Mỹ Thuận, theo Quốc lộ 80 đi Rạch Giá và tới bến tàu Tiến Triển Bình An. Giờ tàu chạy cho khách lẻ ra đảo: từ 7-9g và giờ tàu về đất liền: từ 15-17g. Nếu đi đông, bạn có thể thuê nguyên chiếc, chủ động được thời gian đi lại, giá trung bình khoảng 1.500.000 đồng/khứ hồi, tùy loại tàu và số lượng du khách.
Bà Lụa chỉ hợp với du lịch bụi, dân dã và hoang dã, ngủ homestay, lều hoặc nhà dân. Du lịch ở đây chủ yếu cung cấp các dịch vụ cơ bản, nguyên sơ, như ăn, ngủ, nghỉ và tàu đưa du khách tham quan.
Bạn cần đem theo đầy đủ các dụng cụ thiết yếu cho một chuyến dã ngoại ở biển, từ lều, võng, túi ngủ, đèn pin… đến kem chống nắng, kem chống muỗi, nón rộng vành, hộp quẹt, dao xếp, nước suối, thuốc dự phòng cá nhân và đồ ăn vặt vì ở đây thưa dân, du lịch tự phát nên đồ ăn thức uống không có nhiều thứ để chọn lựa.
Bạn nên đến Bà Lụa vào khoảng đầu tháng Tư hoặc từ cuối tháng Chín.
Hải sản ở đây khá phong phú, có nhiều loại đặc trưng như: cá mú, cá bớp, cá hường... Bạn có thể mua tại bờ biển khi các tàu đánh bắt chở về và nhờ chủ nhà, chủ quán chế biến.