Kỳ lạ là dân làng không coi đây là hiếp dâm mà là một nghi thức "thanh tẩy". Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có lây truyền các bệnh đường tình dục.
Eric Avina, sống trong ngôi nhà ba phòng xập xệ tại quận Nsanje, thuộc khu vực phía nam Malawi, với vài con vật trong sân. Anh được dân làng gọi là "linh cẩu", một biệt danh dành cho những người chuyên được thuê để làm nghi thức "thanh tẩy" kỳ lạ cho các cô gái trước khi lấy chồng.
Nghi thức "thanh tẩy" còn được thực hiện trong nhiều trường hợp khác. Ví dụ, góa phụ phải quan hệ với Avina trước khi chôn chồng, hoặc một người vừa phá thai cũng cần được "thanh tẩy".
Avina, một "linh cẩu" ở Malawi, nhiều lần được thuê đưa các thiếu nữ "vào đời"
Avina là 1 trong 10 "linh cẩu" tại Nsanje, mỗi làng có một người. Họ được trả công từ 4 USD tới 7 USD một lần.
Avina khoảng 40 tuổi, có 2 vợ và 5 con, nhưng anh không rõ có bao nhiêu con rơi sau những lần "làm việc". Anh nói đã quan hệ với 104 người, y như khi trả lời phỏng vấn hồi 2012, có lẽ vì đã làm công việc này quá lâu để nhớ được chính xác.
Sốc nhất là ở Nsanje, sau lần có tháng đầu tiên, các cô gái này phải quan hệ trong ba ngày liên tiếp để đánh dấu ngày trở thành phụ nữ. Truyền thống tin rằng nếu không làm vậy, bệnh tật hay tai họa có thể ập xuống đầu cả dân làng.
"Đa số những cô gái đó đều tầm 12-13 tuổi, vẫn còn đi học. Tôi muốn họ lớn hơn chút nữa", Avina nói.
Theo lời Avina, đa số các cô gái không có ý kiến gì về nghi thức kì dị này. Nhưng một số cô không như vậy. "Tôi chẳng có cách nào khác. Nếu không, gia đình tôi có thể bị bệnh hoặc thậm chí chết. Tôi rất sợ", một cô gái kể.
Tại một nơi khác, ba phụ nữ Fagisi, Chrissie và Phelia trung tuổi chịu trách nhiệm giảng dạy cho các thiếu nữ trong "trại hè" mỗi năm về vai trò khi là vợ và cách làm thỏa mãn đàn ông. Nghi thức "thanh tẩy" cũng là một phần quy trình và được bố mẹ các cô sắp xếp. Ba phụ nữ giải thích rằng "thanh tẩy" nhằm tránh lây bệnh cho cha mẹ và cộng đồng vì theo truyền thống "linh cẩu" sẽ có đạo đức tốt và không có bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV/AIDS.
HIV/AIDS là vấn đề lớn. Tại Malawi cứ 10 người có 1 người nhiễm virus này. Khi được hỏi, Avina thản nhiên thừa nhận mình nhiễm HIV, và không hề báo với cha mẹ các cô gái.
Bác sĩ May Shaba, thư ký thuộc Bộ An sinh và giới cho biết sẽ tuyên truyền để thay đổi tập tục trên. Đa số các bậc cha mẹ được giáo dục không thuê "linh cẩu", nhưng những người trung tuổi vẫn rất cổ hủ.
"Văn hóa của chúng tôi chẳng có gì sai. Con gái ngày nay chẳng hề có trách nhiệm nên chúng tôi phải dạy dỗ chúng trở thành những người vợ tốt để khỏi lạc lối, làm chồng họ hạnh phúc và ngăn ngừa những điều xấu xảy ra trong gia đình", Chrissie nói.
Cha Clause Boucher, cha xứ gốc Pháp đã sống tại đây 50 năm cho biết tập tục này đã tồn tại hàng thế kỷ, bắt nguồn từ niềm tin rằng trẻ em cần phải được "vào đời". Dù đã tuyên truyền về vấn đề HIV/AIDS cả 30 năm nay, nghi thức vẫn bám rễ rất sâu, đặc biệt là tại Nsanje, trong khi các vùng khác đang có những vận động thay đổi. Lý do là vì Nsanje quá nghèo đói.
Vợ thứ 2 của Avina, từng là góa phụ được chính anh "thanh tẩy" và có con sau đó. Cô không thoải mái lắm với công việc của anh, nhưng phải chấp nhận để gia đình có bữa ăn. Mối quan hệ của họ khá kỳ cục.
Khi được hỏi liệu cô có muốn con gái mới sinh được "thanh tẩy" khi đạt tuổi trưởng thành không, cô thẳng thừng phản đối: "Tôi muốn hủ tục này chấm dứt. Chúng tôi đều bị ép buộc, không phải do lựa chọn. Phụ nữ như vậy thật khổ. Đến giờ tôi vẫn vô cùng khó chịu."
Avin cũng trả lời tương tự: "Tôi không chấp nhận điều đó. Tôi đang cố gắng tìm cách chấm dứt hủ tục đó."
"Vậy là anh phản đối, nhưng vẫn làm?"
"Không, tôi nói rồi, tôi sẽ dừng lại", anh trả lời.
"Thật không?"
"Thật, chắc chắn. Tôi sẽ dừng lại", Avina quả quyết.