Anh là doanh nhân thành đạt, được tiếng yêu thương vợ con, là hình ảnh người chồng mẫu mực trong mắt người thân, bạn bè. Còn chị, ngoài việc là "bà hoàng" của chồng, thì bản thân chị cũng nhiều năm chinh chiến trong các tập đoàn đa quốc gia. Khi công ty lớn mạnh, anh bắt đầu "chiêu dụ" vợ về quản lý nhân sự cho công ty mình.
Thời gian đầu, mọi thứ suôn sẻ vì chị vào vị trí lãnh đạo một bộ phận, lại vợ sếp lớn nên mọi người đều hỗ trợ nhiệt tình. Thế nhưng, chẳng bao lâu chị nếm mùi cay đắng khi chứng kiến ông chồng của mình là một ông sếp… đáng sợ.
Anh là một người sếp kiệm lời, khó ưa và đòi hỏi. Lần đầu tiên họp lãnh đạo các phòng ban, vào họp, vừa nghe anh "mời chị Thu Thủy", chị đã giật bắn người. Báo cáo xong phần đã chuẩn bị, chị lại nghe giọng anh nghiêm túc:
"Tình hình chung là thế, nhưng ý kiến của chị thế nào? Tôi muốn nghe ý kiến của chị!". Chị lập tức trình bày giải pháp. Chị nói xong, ông sếp phì cười rồi hất mặt về phía một người đồng cấp khác của chị: "Anh Đông cho ý kiến đi!".
Ảnh minh họa
Anh Đông có phần dè dặt nhưng vẫn nghiêm túc nêu ra bao nhiêu thực tế công ty để đi đến kết luận rằng "giải pháp của chị Thủy tuy hay nhưng không phù hợp". Sáng kiến của mình bị tập thể dập tơi bời.
Cuộc họp đó đã gây ra một cơn tam bành tại nhà riêng, chị giận dỗi, quy tội anh không hỗ trợ và tạo điều kiện cho vợ làm việc. Chị khẳng định anh thừa biết chị không thể nào biết rõ những vấn đề bếp núc trong công ty, vậy mà lại giao cho chị nhiệm vụ phải đầu tư một phương án chuyên nghiệp để rồi đồng nghiệp mổ xẻ là không phù hợp.
Đã vậy anh không trực tiếp góp ý mà bật đèn xanh cho cấp dưới "quật" vợ mình. Anh cười khề khà nhận lỗi, nhận luôn cái tiếng "ông chồng dã man" để ngon ngọt dỗ dành vợ.
Một lần, đụng mặt chồng ở hành lang công ty, chị sượng sùng khi thấy anh không buồn nhìn vợ, chỉ hất mặt một cái rất vu vơ trong khi vẫn mải nói chuyện với người đang đi cùng. Vào cuộc họp, anh vẫn "vùi dập" chị không thương tiếc.
Dàn lãnh đạo cấp trung của anh đều là những người gắn bó từ thuở sơ khai, chỉ có mình chị là người mới, lại quen kiểu làm việc ở tập đoàn lớn nên "toàn nói chuyện vĩ mô, không đúng thực tế công ty".
Tự trọng nghề nghiệp khiến chị cắm đầu cắm cổ để xác định uy tín ở công ty mới. Nhưng kẻ làm vợ vẫn không thoát khỏi cảm giác ấm ức khi lão chồng ở nhà "một vợ, hai vợ" mà lên công ty lại giữ điệu bộ xa cách.
Chị cảm giác 80% khó khăn trong công việc là do chính anh không tôn trọng chị, làm đồng nghiệp được dịp hay bắt lỗi chị. Vì thế, khi về nhà, chị chẳng mặn mà trò chuyện, chỉ cắm cúi máy tính.
Anh lò dò tới gần, chị lại chậc lưỡi nói: "Em đọc tài liệu để hiểu công ty". Anh phì cười rồi lui ra để vợ làm việc. Anh không hề biết, trong sự tập trung công việc đó, có cả phần chị né tránh vì bực bội và tự ái khi đối diện chồng.
Chuyện lên đỉnh điểm vào một ngày năm ngoái, họ có lịch công tác chung đến một phòng hội nghị trong thành phố. Hôm đó, sau khi tan cuộc họp nội bộ tại công ty thì cả dàn lãnh đạo cùng bước xuống sân để di chuyển sang điểm họp với đối tác.
Chị hồn nhiên tiến về hướng xe chồng thì thấy anh như chẳng nhận ra vợ, cứ thế bước vô xe. Chị sực nhớ, xe này của… sếp tổng, tầm cỡ phòng ban như chị có chiếc xe bảy chỗ đang đợi đằng kia. Chị chuyển hướng về vị trí của mình, leo lên xe mà lòng đầy ấm ức.
Không kiềm được, chị nhắn tin cho chồng: "Anh phải rạch ròi sếp - lính đến vậy sao?". Qua điện thoại cá nhân, giọng anh khác hẳn: "Ờ nhỉ, sao vợ không đi chung?". Chị chán, chẳng thèm nhắn lại. Và dĩ nhiên, suốt ngày làm việc sau đó anh vẫn đeo cái vẻ ngoài đạo mạo và xa cách của một ông sếp.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, sau cái lần bị "đá" ra khỏi chiếc xe vợ chồng, chị mới nhận ra việc ấm ức của mình là… vô lý, và khả năng chị được nhận sự "nhân đạo" của ông sếp kia là hoàn toàn vô phương. Anh quá… chuẩn mực!
Ở nhà, anh là một người chồng toàn tâm toàn ý. Và lên công ty thì anh cũng rất… toàn ý toàn tâm. Trong từng vai trò, anh rạch ròi như một cái máy.
Và có lẽ lập nghiệp từ tay trắng đã tạo cho anh một sự nghiêm túc khi làm việc, quyết đoán, lạnh lùng và có phần nóng nảy. Còn chị, muốn làm vợ thì về nhà! Còn nếu đang họp với tư cách giám đốc nhân sự mà lại tủi thân vì… bị chồng đối xử nghiêm khắc, thì thật thiếu chuyên nghiệp.
Nghĩ vậy, tối đó, chị thoát vai giám đốc nhân sự, bữa cơm gia đình cũng vui vẻ hẳn lên. Chị nhận ra rằng trước nay anh chưa từng nhắc chuyện công ty khi ở nhà. Trong nhà, anh chiều vợ con hết mực. Nhìn chồng đang chăm chú lau bàn ăn, chị chợt nghĩ… "Ơn giời, chồng mình đây rồi!".