|
Để đỡ nhớ quê hương, những người thân, bạn bè chúng tôi tại Mỹ vẫn thường hẹn hò đến nhà nhau đổ bánh căn, họp mặt hàn huyên tâm sự. Cái khó nhất của bánh căn là phải có lò đất nung tròn. Mà lò này chỉ có thể mang từ Việt Nam, đặc biệt đây lại là hàng dễ vỡ.
Để chào đón sự xuất hiện của tôi, người thân, bạn bè tại Mỹ hỏi tôi muốn ăn gì. Tôi cười với giọng đầy…thử thách: đổ bánh căn được không. Tôi vẫn nghĩ câu trả lời sẽ là không vì chuyện có cái lò đất nung giữa lòng nước Mỹ này coi bộ "vô phương".
Thật ra người bên mình mỗi khi sang Mỹ chơi thường hay được chiêu đãi bánh xèo, bánh đúc hay bánh bèo rồi các thể loại bún, phở…. Còn chuyện đổ bánh căn xem ra rất hiếm. Nhưng rồi tôi vỡ òa khi nhìn thấy trước mắt là cái lò bánh căn 10 khuôn rất đỗi dễ thương như ở Việt Nam tôi vẫn làm. Không thể tin nổi.
|
Cái hạnh phúc của niềm vui thưởng thức hay làm bánh căn còn phải có “tình đoàn kết” như lời bạn bè, gia đình tôi hay nói. Nghĩa là hết người này đổ đến người khác thay phiên nhau (vì mất rất nhiều thời gian) để có những đợt bánh nóng giòn, ăn ngay bên cạnh lò.
Mấy hôm nay trời California tuyệt đẹp với nhiệt độ như trời Đà Lạt (từ 16 đến 22 độc C). Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng để ngồi bên bếp than hồng để làm bánh căn.
|
Đêm trước ngày đổ bánh, buổi tối tôi lấy 5 lon gạo ngâm nước đến sáng để gạo mềm rồi pha chút cơm nguội cho bột được dai hơn. Cách xay gạo cũng quá dễ vì giờ chỉ cần bỏ vô máy xay sinh tố bấm nút bình thường như xay trái cây.
Khâu quan trọng khác là quạt than. Nhìn những viên than đen tôi hỏi có dễ mua tại Mỹ không, mọi người đều trả lời "rất dễ" vì than bây giờ chợ Mỹ hay Việt Nam ở đây đều có. Mà mua than nên chọn loại đã tẩm dầu với giá bán khoảng 8USD/bịch gần 4kg.
Ăn bánh căn hay đổ bánh cũng có nhiều cách, ví như đổ thêm trứng, hải sản (tôm, mực), thịt nạc… Song, cách mà người dân Phan Thiết quê tôi dù sang Mỹ vẫn “chung thủy” đến giờ là đổ bánh theo truyền thống cổ điển. Nghĩa là chỉ có bột gạo mà thôi. Bánh đổ vào lò để chừng hơn 1 phút khi thấy mặt bánh săn lại, rìa bánh hơi vàng là dùng cái xẻng nhỏ (đầu bằng phẳng làm từ inox) để cạy bánh ra. Bánh phải được kẹp lại thành từng cặp tròn trịa, bên giữa có hành lá thơm ngon.
|
Ăn bánh căn kiểu quê tôi thường phải có tóp mỡ, da heo, trứng, cá (nục hoặc cá ngừ kho) đi kèm cùng xíu mại, xoài bằm. Nhưng quan trọng nhất là món nước chấm. Bánh ngon hay không còn phụ thuộc vào cách pha nước mắm. Cũng có người thích ăn thêm cùng rau sống, khế, dưa leo chấm mắm nêm…Song chúng tôi thì vẫn lại…chung thủy cùng nước mắm, nhưng phải nhớ không được quá cay bởi nước chấm có khi còn để…húp thêm khi ăn với bánh. Tôi chọn những quả ớt thật to bên Mỹ để hấp lên, ép bỏ nước và hạt, sau đó thêm tỏi, đường cùng me vào giã nhuyễn rồi pha nước mắm lẫn nước sôi để nguội vào cho vừa ăn.
Cách làm các viên xíu mại cũng cực dễ. Bạn chỉ cần chọn thịt nạc xay, nêm nếm hành tây đã cắt nhuyễn, tiêu, bột ngọt, hạt nêm, đường…rồi hấp lên là xong. Cá kho (cá nục, trích, hay cá ngừ) còn tùy sở thích của mỗi người. Ở đây tôi chọn cá ngừ bởi cả tháng nay tôi chưa được ăn. Kho cá ngừ như bình thường nhưng nhớ thêm vài lát thơm để cá ngon hơn. Xoài thì chỉ việc băm nhuyễn. Riêng da heo hay tóp mỡ gần như người Việt chúng ta tại Mỹ không ăn. Tôi đã thay tóp mỡ bằng bánh mì chiên giòn bỏ vào chén dầu chuyên dành cho người ăn kiêng.
Còn trứng thay vì cắt đôi để bỏ vào tô, tôi cũng trổ ít “tài vặt” cho cuốn hút hơn. Tôi lấy từng quả trứng sau khi luộc xong quấn vào ni lông rồi đặt 5 que tre (dùng nướng thịt) xung quanh trứng sau đó dùng dây thun cột chặt 2 đầu để khoảng 1 tiếng rồi cắt trứng ra là đã có hình bông mai xinh xắn. Thật ra cách này để tô bánh căn thêm hấp dẫn mà thôi. Bạn cũng có thể làm như tôi nếu có thời gian.
|
Ngồi quây quần ăn bánh căn, chúng tôi nhớ về tuổi thơ lúc mà chỉ có bánh căn "nguyên chất" ăn với nước mắm hay sang lắm là cá kho. Nhớ về cách mà cả nhà háo hức đợi chờ từng cặp bánh căn nóng giòn sắp ra lò. Nhớ cái cảm giác nôn nao không đợi được, đành nhắm mắt bỏ qua "quy cách" ăn bánh căn thành cặp để rồi xé lẻ từng cái cho đỡ thèm, sao mà ngon lành quá đỗi. Giờ thì quá nhiều cách ăn, cách thưởng thức bánh căn với nhiều mùi vị khác nhau nhưng những người thân mà tôi biết khi đến Mỹ vẫn muốn sum họp bên nhau ngay sát lò bánh căn truyền thống nghi ngút làn khói ấm tình quê.
Giữa lòng đất Mỹ, ngồi thưởng thức bánh căn cùng những người dân quê mình lòng tôi chợt rưng rưng bao cảm xúc. Mọi người nói với tôi rằng dẫu xa quê hương nhưng họ không bao giờ quên những món ăn dân dã từ nơi chôn nhau cắt rốn.
Một buổi chiều thật ý nghĩa cho cả tôi cùng những người thân yêu nơi đất Mỹ.