Muốn thưởng thức món ăn dân dã này phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm. Một địa chỉ được nhiều người rỉ tai nhau chính là số 38 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận - TPHCM. Không còn kiểu bàn ghế cóc chông chênh nhà quê, bánh căn Phan Rang có một diện mạo mới tươm tất hơn.
Ngoài ra, còn có quán bánh căn ngay góc đường Bà Huyện Thanh Quan- Ngô Thời Nhiệm, quận 3. Dù đã vào Sài Gòn nhưng cách đổ bánh cũng như vị nước chấm vẫn không thay đổi. Bánh căn có kích thước tương đương bánh khọt nhưng bánh màu trắng đục, không giòn mà chỉ xốp phía ngoài, bên trong bột vẫn mềm, căng phồng lên. Ưu điểm của loại bánh này là không có nhiều dầu mỡ như bánh khọt.
Ở nhà quê, bánh căn chỉ có bột điểm thêm chút hành. Bánh căn ở thị thành được thêm nhân như trứng cút, trứng gà, mực, tôm, thịt bằm. Một điểm khác biệt nữa của bánh căn với bánh khọt chính là chén nước chấm. Chén nước chấm bánh căn nhìn khá “vĩ đại”, không chỉ có nước mắm mà được pha thêm nhiều thứ để trở thành một thứ tương tự như nước sốt.
Nước chấm không quá mặn, hơi ngòn ngọt để khách có thể húp. Các quán bánh căn Phan Rang có nhiều loại nước chấm cho khách lựa chọn như mắm cái, xíu mại, cá nục kho, mắm xoài xanh... Một chén mỡ hành với những miếng tóp mỡ giòn tan được dọn ăn chung với rau sống.