Tại đây, các chuyên gia đầu ngành về tim mạch của 3 bệnh viện phía Bắc là Việt Đức, bệnh viện Đại học Y Hà Nội và bệnh viện Bạch Mai sẽ trực tiếp thăm khám cho các em nhỏ nghi bị tim bẩm sinh. Trong đó có Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước – GĐ TT Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về tim mạch tại Việt Nam.
Đây là lần thứ 3 chương trình "Trái tim cho em" tổ chức khám sàng lọc tại Hà Giang, và được triển khai đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), như một hoạt động hưởng ứng Ngày tôn vinh giá trị văn hóa của gia đình Việt. Với kinh phí mổ trung bình mỗi ca lên tới 40 triệu đồng, việc có con mắc bệnh tim bẩm sinh thực sự là một gánh nặng và không phải gia đình nào cũng có thể trang trải. Chương trình Trái tim cho em với nguồn kinh phí từ Viettel và nguồn xã hội hóa sẽ tài trợ toàn bộ chi phí mổ cho các em nhỏ bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tại Hà Giang, kể từ khi sáng lập, chương trình Trái tim cho em đã thực hiện mổ tim miễn phí cho 37 em nhỏ bị tim bẩm sinh, giúp các em hồi phục và có tương lai khỏe mạnh, tươi sáng.
Trước đó, cũng trong tháng 6, Trái tim cho em đã đến với tỉnh Kiên Giang, tổ chức khám sàng lọc cho gần 1.000 trẻ em và phát hiện được 69 trường hợp dị tật tim bẩm sinh, trong đó, có 53 ca cần can thiệp và phẫu thuật, các trường hợp còn lại phải theo dõi định kỳ. Ngay tại địa điểm khám, Ban tổ chức đã hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho các gia đình đáp ứng các tiêu chí phẫu thuật miễn phí để các em được can thiệp sớm.
Khám sàng lọc là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, được Viettel cùng Quỹ Tấm lòng Việt phối hợp với các bệnh viện và các địa phương triển khai trong nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê, đến nay chương trình đã tổ chức được gần 60 đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho gần 130.000 em nhỏ tại các địa phương. Thông qua hoạt động này, hơn 6000 em nhỏ đã được phát hiện sớm bệnh tim để điều trị, và hơn 5200 em trong số đó đã được phẫu thuật miễn phí, hồi sinh sự sống.
Bên cạnh các hoạt động khám sàng lọc và can thiệp tim mạch miễn phí, chương trình Trái tim cho em hàng năm cũng dành ngân sách lớn để nâng cao năng lực phẫu thuật, điều trị tim mạch cho các bệnh viện và tổ chức các chương trình tư vấn trực tuyến nâng cao ý thức người dân trong chăm sóc và điều trị bệnh tim bẩm sinh. Đến nay đã có 40 bệnh viện trên cả nước được chương trình tài trợ trang thiết bị và 34 chương trình giao lưu trực tuyến của các chuyên gia đầu ngành tim mạch được tổ chức. Chương trình cũng bố trí 200 điểm tiếp nhận hồ sơ xin hỗ trợ từ chương trình Trái tim cho em (đặt tại các cửa hàng, siêu thị Viettel trên toàn quốc) giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với chương trình.
Để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh, các chuyên gia tim mạch khuyến cáo bệnh nhi đã được các bác sỹ tại các cơ sở y tế phát hiện/ nghi vấn mắc tim bẩm sinh hoặc có các triệu chứng, biểu hiện như: Hay bị ho, khò khè tái đi tái lại nhiều lần; Thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào); Trẻ hay bị sưng phổi, viêm phế quản; Trẻ có biểu hiện bú chậm (kéo dài >30 phút) hoặc không thể chấm dứt bữa bú; Thở nhanh, hay toát mồ hôi, đặc biệt sau các bữa bú; Trẻ chậm lớn, da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt; Môi, lưỡi, đầu ngón tay tím xanh; Hụt hơi khi gắng sức nên tham gia khám sàng lọc để xác định bệnh lý. Trường hợp phát hiện bệnh và có gia cảnh phù hợp với tiêu chí chương trình "Trái tim cho em" đặt ra sẽ được điều trị hoàn toàn miễn phí.
Chương trình "Trái tim cho em" là chương trình từ thiện hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi tại Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tổ chức các hoạt động khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em. Chương trình được sáng lập và điều hành bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và Quỹ Tấm lòng Việt - Đài truyền hình Việt Nam từ năm 2008 đến nay.