Nghị định 144 - thay thế Nghị định 79 ra đời từ năm 2012 - có nhiều nội dung mới, trong đó bỏ quy định cấm: "Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn".
Nhiều nghệ sĩ phản đối khi điều khoản này bị bãi bỏ, đồng nghĩa không còn cấm hát nhép, đàn nhép. Ca sĩ Minh Quân cho rằng điều này tạo ra môi trường biểu diễn không công bằng, bởi tiết mục hát nhép luôn mượt mà hơn vì không gặp sự cố âm thanh. Anh nói: "Trước đây, dù có luật cấm, nhiều ca sĩ vẫn dùng cách này biểu diễn. Tuy nhiên, họ hiểu rằng đây là hành động sai trái, bị công chúng phản đối nên giấu diếm, không công khai. Khi quy định bị bãi bỏ, việc hát nhép trở thành nghiễm nhiên".
Nhiều nhạc sĩ như Phạm Hải Âu, Nguyễn Văn Chung cho rằng điều này vô tình giết chết những giọng ca có thực lực bởi nhiều ca sĩ sẽ sử dụng công nghệ chỉnh giọng. Ca sĩ cũng không cần rèn luyện nhiều giọng hát mà lơ là, dễ dãi với nghề. Nhạc sĩ Dương Cầm nhận định cơ chế mới còn vô tình giết chết các ban nhạc sống.
Ca sĩ Hà Linh đồng quan điểm, nói việc bỏ cấm hát nhép khiến nền nghệ thuật biểu diễn đi lùi. "Chúng ta cần cơ chế phản đối việc hát nhép. Việc bãi bỏ lệnh cấm đồng nghĩa cổ xúy cho cái xấu, sự thiếu chuyên nghiệp. Việc hát live thể hiện sự trung thực, đạo đức của ca sĩ. Người biểu diễn văn hóa, nghệ thuật mang tâm thế dối trá - hát nhép - không có tư cách phục vụ khán giả", cô nói.
Minh Quân cho rằng người thiệt thòi nhất là khán giả. Họ bỏ tiền để thưởng thức tiết mục trực tiếp, số tiền ấy lớn hơn nhiều so với việc mua bản thu online hoặc CD. Tuy nhiên, điều nhận được chỉ là bài hát đã được ghi âm sẵn.
Ngược lại, nhạc sĩ Thanh Bình nhận định việc bỏ quy định hát nhép phù hợp với thị trường âm nhạc hiện tại: "Các nghệ sĩ dễ dàng lựa chọn phong cách trình diễn phù hợp. Người nghe sẽ tự có sự sàng lọc của mình". Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói trên thực tế, nhiều ca sĩ hát nhép vẫn rất được khán giả yêu thích, đắt "sô".
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam, người tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, cho rằng cơ quan quản lý nên xây dựng quy định chi tiết, phù hợp thực tiễn, trường hợp nào được hát nhép hoặc không. Theo anh, hát nhép được chấp nhận khi ghi hình truyền hình hoặc trong chương trình truyền hình trực tiếp, nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh.
Ông Nguyễn Thu Đông - Trưởng Phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn - giải thích Nghị định mới không ngầm đồng ý việc hát nhép. Ông nói: "Nghị định không quy định hành vi cụ thể của người biểu diễn, nhưng cũng không vì thế mà người đứng đầu tổ chức và nghệ sĩ biểu diễn lợi dụng để hát nhép, đàn nhái. Trước hết, người nghệ sĩ phải giữ trong mình những giá trị đạo đức nghề nghiệp, phải trân trọng, chân thành với tình cảm của công chúng, có trách nhiệm với uy tín của mình, tên tuổi, thương hiệu, hình ảnh của bản thân. Việc ca sĩ không đem hết tài năng của mình trên sân khấu thì tất yếu khán giả sẽ không hưởng ứng, thậm chí tẩy chay".
Nghị định 144 có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Ngoài việc bỏ quy định cấm hát nhép, đàn nhép, một số nội dung mới gồm: bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài, bỏ cấp phép người đẹp đi thi quốc tế.